pour: TOI

Viết cho những điều không thể thấy

"Sao không là gió, là mây để thấy trời bao la...

"Sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông..."

Không thể là, và chẳng thể nhìn thấy.

Vẫn thể là, vẫn thể nhìn thấy

Vì, đó là khát vọng 

*** 

 

Khi tôi đi thăm trường mù Nguyễn Đình Chiểu lần đầu tiên, đó là vào tháng 2, lúc tôi 16 tuổi. Tôi đi cùng câu lạc bộ kỹ năng sống và dã ngoại của trường cấp 3, mặc đồng phục màu xanh lơ. Trước khi đi, tôi chẳng bao giờ có thể hình dung ra được cuộc sống ở trong đó như thế nào, và những người sống ở đó ra sao. Có thể họ đáng thương và tội nghiệp lắm, nhưng cũng có thể họ rất "kỳ quặc" theo kiểu mình chẳng thể nào nói chuyện hay hoà nhập được. Đó là những suy nghĩ của tôi tuổi 16.

 

Ngày đến thăm trường, tôi hơi điệu đà một chút, cột tóc với dây ruban xanh, đeo 2 cái vòng tay bản to màu hồng mới tinh vừa mua trong nhà sách.  

Đi một vòng trong trường tham quan như những người khách du lịch, chỉ là không có máy chụp hình cá nhân ngày đó, chợt tôi thoáng nghĩ, nếu là mình sống ở đây thì sinh hoạt mỗi ngày sẽ trôi qua như thế nào.

Chỉ cần một giây với ý nghĩ này, tôi bỗng hiểu ra là đã quá trễ để mình lại vô tư như cách đây năm phút.

Suy nghĩ với vận tốc của ánh sáng và sự len lỏi của gió có thể làm nẩy mầm trong chốc lát một hạt giống vùi sâu ở tâm trí, mà cũng có thể làm rơi xuống một chiếc lá vốn đã yếu ớt của tinh thần. Một chữ "nếu..." làm tôi phải tự băn khoăn với chuỗi tiếp theo của những rụng rời và bi quan khi mình phải sống ở đây: tự sinh hoạt cá nhân, đi đến lớp học, học chữ nổi, ăn uống và làm gì đó mỗi khi có thời gian rảnh. 

 

Nghĩa là, những lúc tôi rảnh để đọc sách, đọc báo, xem phim, đi mua đồ, chọn quần áo, chải tóc, làm điệu, gặp gỡ làm quen bạn bè, thì nếu tôi giơ tờ báo trước mặt mà không thấy, ngồi trước tivi mà không thể xem, ngay cả hình dạng vuông tròn tam giác cũng chưa từng biết đến thì làm sao tự chủ tạo những mẫu tóc như trong phim, hay mặc quần áo như trong những tạp chí thời trang. 

 

Tất cả những hoạt động có vẻ như bình thường, chỉ khác là với một màu đen hun hút ở trước mắt. Đen dai dẳng, và đen huỷ diệt.

 

Thế đó, lần đầu tiên đến trường mù, chỉ sau một vòng đi thăm trường, tôi đã muốn bỏ cuộc.

20 phút sau, các thầy cô dẫn các anh, chị, bạn, em đang sống ở trường ra để giới thiệu với chúng tôi. Dĩ nhiên là các thầy cô là người nhìn thấy được, còn các anh, chị, bạn, em là những người không thể nhìn thấy. Như vậy thành ra qua cuộc giới thiệu, chỉ có chúng tôi là nhìn thấy "bên làm quen", còn phía các anh-chị-bạn-em đó, đối với họ, chúng tôi là một màu đen, vô hình, vô tướng, vô sắc, vô cảm. Tôi thấy mình cột tóc hay xoã tóc cũng là một màu đen, có đeo hai cái vòng tay hay mười cái thì cũng chỉ là màu đen, có vừa mới mua hay đã sứt mẻ thì cũng màu đen thế thôi. Nhiệm vụ đặt ra ngay từ đầu cho mọi người bỗng trở nên vô cùng hoang mang và khó khăn với tôi: làm sao để nói chuyện với họ.

 

Ví như tôi nói với các bạn mình về chủ đề quần áo, thì mọi người đã phải thấy quần áo, hình dạng, màu sắc nó như thế nào; hay tôi nói về bầu trời, thì mọi người ngẩng đầu lên và thấy ngay trăng sao chi chít. Vậy giờ tôi phải nói về gì để không đụng chạm đến đặc điểm của sự không nhìn thấy, nếu không sẽ gây khó xử cho họ. Tôi cũng chẳng thể biết.

 

Sau khi được giới thiệu, mọi người tản ra. Tôi loay hoay đi tới đi lui cứ như mình đã thành vô hình và vô dụng từ lúc nào. Bỗng thấy một bé gái đang đi chậm chậm về phía hành lang, tôi mừng rỡ chạy đến, đụng vào tay bé và hỏi: "Em có cần chị giúp gì không?" Bé quay lại ngay về phía tôi, nói: "À, em đang kiếm người nói chuyện, mình lại góc kia ngồi đi chị". Rồi bé gái chỉ tay về một hướng, mà nhìn theo hướng đó, tôi thấy có 2 ghế đá dài. Tôi quay phắc lại nhìn vào đôi mắt bé, không biết mình có nhầm sang thầy cô giáo không, nhưng thấy ngay một màu trắng đục.

 

Bé gái cầm tay tôi, và đụng vào chiếc vòng vừa mua. Chiếc vòng màu hồng mà tôi cực kỳ ưng ý. Bé gái hỏi: "Vòng tay của chị to quá ha?". Tôi ậm ừ. Bé hỏi tiếp: "Màu gì vậy chị?". Tôi đành trả lời: "Màu hồng". Bé reo lên: "Em thích màu hồng lắm". "Ủa, vậy hả?", tôi ngạc nhiên và hỏi tiếp: "Em... thấy màu hồng rồi hả?". Bé vô tư nói: "Dạ không, em tưởng tượng, với lại em đọc truyện nghe tả nhiều về màu hồng lắm: hoa nè, váy đầm nè, nhà nè,... Người ta nói cuộc sống màu hồng nghĩa là cuộc sống đẹp, em thích cuộc sống đẹp nên em thích màu hồng".

 

Tối hôm đó, tôi đã tháo chiếc vòng ra tặng bé gái vì đó là một những vật liên quan đến cuộc sống đẹp của bé. Còn tôi lại nhận được một điều không thể nhìn thấy được, đó là cách biết ước mơ và sự yêu đời không thể tưởng được.

 

 

Tôi như theo một cơn say mê đời sau đó, cụ thể là ham thích đọc sách cực độ. Bởi trong sự say mê mơ ước luôn luôn tồn tại một sự bi quan. Bi quan là nếu một ngày mình không thể đọc được, thì mình còn biết mơ ước. Mà khả năng biết mơ ước, nếu như không thể nhìn thấy những hàng hiệu, nữ trang, tiền bạc, vật chất, thì chỉ có thể qua những trang sách được nghe đọc lại. Và đó là sức mạnh của sách mà không thể tìm thấy ở bất kỳ điều gì khác: khả năng làm sống những điều mà ta không thể thấy.

 

 

Có một điều trùng hợp là những lần đi thăm trường mù ở những nơi khác nhau, tôi đều được nghe bài hát "Khát vọng". Những người không thể thấy, nhưng họ có một khả năng sống và truyền cảm hứng sống đó một cách vô cùng mãnh liệt cho những người tưởng-như-bình-thường là chúng ta.

Khả năng đó thể hiện qua giọng hát và các giác quan cực kỳ nhạy bén. Khát vọng được nhìn thấy: bầu trời cùng gió, cùng mây, sông nước với phù sa màu mỡ, ngay cả giông, cả bão cũng sẽ là một niềm hạnh phúc vô tận trong khoảng đen mênh mông và có lẽ vĩnh viễn của họ.

 

Bài hát làm tôi ứa nước mắt vì cảm động. Cảm động trước sự can đảm sống của họ - những người bình thường và phi thường.

Bài hát làm tôi ứa nước mắt cũng là vì tội nghiệp. Tội nghiệp cho sự khuyết tật ước mơ và khát vọng của tôi, của những người vẫn tưởng-mình-là-bình-thường.

 

 

Viết cho những điều ta không thể thấy, bởi chính những gì không bị giới hạn của vật chất hữu hình có một giá trị lan tỏa mạnh mẽ, và nơi nó đọng lại sẽ không phải là ở một kệ tủ sang trọng nào đó mà sẽ là dưới đáy sâu của trái tim - nơi ấp ủ những khát vọng ngay trong những hoàn cảnh sống khắc nghiệt nhất.

 

 

Những điều ta không thể thấy, đơn giản là đừng cố gắng nhìn bằng mắt, thì sẽ thấy được bầu trời cao.

 



10/02/2012
0 Poster un commentaire

A découvrir aussi


Inscrivez-vous au blog

Soyez prévenu par email des prochaines mises à jour

Rejoignez les 6 autres membres