U mộng ảnh (Trương Trào) - Giấc mơ thần tiên của đời người
Tập sách "U mộng ảnh" của Trương Trào - một nhà văn đời Thanh, lúc nào làm có thể làm bất ngờ và rung động trái tim người đọc. Với nhiều người yêu cái đẹp, quyển sách nhỏ và mỏng này rất quen thuộc và nổi tiếng vì chính sự cảm kích và say mê đối với cuộc đời được truyền cảm đến người đọc qua từng câu văn ngắn, ví như:
" Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, đá không thể không có rêu, nước không thể không có rong, cây cao không thể không có dây leo, và người ta không thể không say mê yêu thích một thứ gì. "
Như những gắn bó tự nhiên ở quanh ta, đời sống và tinh thần của mỗi người cũng phải được gắn kết bằng một sự thích thú, ước vọng, say mê một điều gì đó cho riêng mình. Có thể vẫn nói ngược lại rằng, hoa không có bướm thì vẫn là hoa, núi không có suối thì vẫn là núi, đá không rêu, nước không rong, cây cao cũng không có dây leo đấy thôi, có phải bắt buộc người ta phải theo đuổi niềm yêu thích nào đó đâu?
Đó là đúng theo lý lẽ. Và khiếm khuyết về tinh thần.
Nếu trải qua một đời hoa vài ngày, ngay cả bướm cũng không thể có, thì hương hoa, hồn hoa đã chưa từng thuộc về cái gọi là hoa đó. Cũng như vậy, tranh sơn thuỷ, có núi mà không có một dòng nước uốn lượn, hay một dòng thác dữ dội, thì cảnh vật cũng đã khô cùng với đá mất rồi. Hết một đời người mà chưa từng biết yêu, thích, say, mê điều gì, sự khiếm khuyết đó là vô hình mà không thể nào bù đắp nổi bằng bất kỳ vật chất hữu hình nào.
(Tranh của họa sĩ Huy Thanh trong triển lãm tranh thủy mặc tại Đà Nẵng vào tháng 3/2011.)
Theo đó, tập "U mộng ảnh" gồm 220 câu "tìm cách sống đẹp" và hướng đến cái đẹp trong tinh thần thuần phương Đông.
Tên gọi "U mộng ảnh" nghĩa là "Bóng mờ trong cõi mộng", ngoài ra tác giả không giải thích gì thêm, cũng như các văn nhân, tài tử chỉ bình luận tao nhã các câu cách ngôn, mà không đưa ra ý kiến về tên gọi này. Đã là mộng thuộc về hư ảo, lại còn bóng mờ trong ấy, thật như sương như khói trong giấc mơ. Có thể có nhiều cách hiểu khác nhau:
-Cuộc đời là một cõi mộng chớp qua khoảnh khắc. Vì nhiều lý do và sự chi phối, hướng đến sống đẹp chỉ chiếm một bóng mờ trong sự bận tâm của mỗi người. Đó chính là khiêm tốn của tác giả khi ghi ra những đúc kết qua những câu cách ngôn.
-Hay, cõi mộng là những giấc mơ đẹp mà mỗi người đều ao ước: có thể liên quan đến danh vọng, đến tài sản, đến mỹ nhân, đến cuộc sống sung túc, v.v. Thêm vào cõi mộng đó một bóng mờ là sự trung hoà những giấc mơ.
Nhiều cách hiểu khác nhau nữa, nhưng dù thế nào, thì thật sự, sau khi đọc "U mộng ảnh", vết mờ của tiềm thức về một giấc mộng đời người sẽ như tỉnh dậy một cách thanh tao nhất.
" Ánh nắng của núi, tiếng chảy của nước, màu sắc của trăng, hương thơm của hoa, vẻ nho nhã của văn nhân, dáng yêu kiều của mỹ nhân, đều là những thứ không thể dùng tên gọi mà hình dung được, không thể nào nắm bắt được, đủ để làm ngơ ngẩn mộng hồn, đảo điên thần tứ. "
" Kinh sách nên đọc vào mùa đông, vì tinh thần được chuyên nhất; sử sách nên đọc vào mùa hè, vì ngày dài; chư tử nên đọc vào mùa thu, vì nhiều ý lạ; sách các nhà khác nên đọc vào mùa xuân vì khí trời thoải mái."
Nếu quan sát sẽ thấy các đặc điểm của những câu cách ngôn là:
- trung hoà với thiên nhiên: luôn có núi, trăng, nước, hoa; hoặc luôn có xuân, hạ, thu, đông; hoặc có hương, có mùi, có sắc, có thanh.
- trung dung với cả ba đạo: Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Khổng giáo trong việc đề cao việc học, việc đọc, việc hành động trong đời thường; nói tóm lại trong một chữ "Nhân". Lão giáo trong sự quan trọng tính hài hoà giữa các yếu tố trong và ngoài bản thân, giữa môi trường và chỗ của con người; nói trong một chữ "Trung" của Đạo. Phật giáo trong việc hướng thiện, hướng về bản chất, và sự hiểu cái "vô thường"; ngắn gọn trong chữ "Tâm".
- rất văn và rất thơ, rất tĩnh và rất động, rất hoà nhập mà cũng rất ẩn dật, đôi khi rất phù phiếm nhưng đồng thời lại cực kỳ chỉnh chu.
" Thưởng hoa nên ngồi với giai nhân, uống rượu ngắm trăng nên ngồi với người phong vận, thưởng tuyết nên ngồi với người cao nhã. "
" Mùa xuân nghe tiếng chim hót, mùa hè nghe tiếng ve ngâm, mùa thu nghe tiếng côn trùng rả rích, mùa đông nghe tiếng tuyết rơi. Ban ngày nghe tiếng đánh cờ, dưới trăng nghe tiếng tiêu réo rắt, trong núi nghe tiếng gió thổi ngàn thông, bên nước nghe tiếng sóng vỗ; mới không uổng phí một đời. Còn như nghe tiếng con trẻ hung dữ làm nhục, hay tiếng vợ quá quắt chửi mắng, cứ xem như tai điếc còn hơn."
Ngoài những thú vui như vậy, "U mộng ảnh" chú ý rất nhiều đến sự học và đạo lý biết điều:
" Cần răn mình nên khắt khe như cái khí mùa thu, mà xử thế thì nên ôn hoà như cái khí mùa xuân."
" Rượu cũng tốt nhưng chớ để say sưa mà gây gổ; sắc cũng tốt nhưng chớ để vì si mê mà làm tổn hại đời sống; tiền cũng tốt nhưng chớ để vì tham lam làm mờ lương tâm; nóng giận cũng được nhưng chớ để vì không kìm chế mà vượt qua chữ lý. "
" Chứa sách không khó, xem sách mới khó; xem sách không khó, đọc sách mới khó; đọc sách không khó, ứng dụng được mới khó; ứng dụng được cũng không khó, nhớ được mới là khó."
" Có công phu đọc sách, đó là phúc; có tiền của giúp người, đó là phúc, có học vấn để viết ra cái thuật của mình, đó là phúc; chuyện thị phi không bận đến tai, đó là phúc; có nhiều bạn uyên bác, ngay thẳng, rộng lượng, đó là phúc."
"U mộng ảnh" có cái nhìn nhân văn và dịu dàng với tất cả cá nhân người đọc, người học, người đủ mọi tầng lớp xã hội. Ai cũng có thể góp sức cho đời, bằng cách này hay cách khác, bằng những thế mạnh của mình từ vật chất đến công sức và tấm lòng. Đọc "U mộng ảnh" thấy hành sự trong đời thật lạc quan, chỉ cần có sự muốn làm tiếp nối bằng hành động là đã trở thành người hữu ích và sống đẹp, và miễn chính người đó biết thưởng thức được mỗi phút giây và giai đoạn trong đời.
" Kẻ thiếu niên nên có kiến thức của bậc lão thành, mà bậc lão thành nên có hoài bão của kẻ thiếu niên."
" Thiếu niên đọc sách như nhòm trăng qua khe hở; trung niên đọc sách như đứng giữa sân ngắm trăng; lão niên đọc sách như lên đài cao thưởng trăng; đều do kinh nghiệm lịch duyệt nông sâu khác nhau mà sở đắc cũng nông sâu khác nhau."
Mọi hình thức và bản chất đều sẽ tìm được đúng giá trị và vẻ đẹp của mình nếu được dùng đúng chỗ và trong sự hài hoà với cuộc sống quanh mình:
" Đá đặt bên gốc mai nên cổ kính, đá đặt dưới gốc thông nên thô; đá đặt bên gốc trúc nên gầy; đá đặt trong bồn nên tinh xảo."
Cũng như vậy, không cá nhân nào sẽ là trọn vẹn nếu không có sự trau dồi kiến thức, sự mài giũa của những vui-buồn số phận, và nhất là mối tương quan với những người bạn tốt:
" Mây phản chiếu ánh sáng mặt trời mà thành ráng, suối treo vào bờ đá mà thành thác. Cũng là một vật nhưng nương vào vật khác thì tên gọi cũng nhân đó mà khác đi. Đạo bạn bè sở dĩ quý là vì vậy."
" Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn. "
Thật là sâu sắc và đẹp đẽ!
Tinh tế, thâm sâu trong sự giản dị là kết tinh của mọi nghệ thuật.
Giấc mộng đời người trong "U mộng ảnh" quả là đáng mơ ước và hoàn toàn có thể thực hiện được, có thể bắt đầu ngay khi thích, miễn là biết ước mơ, biết hành động và trau chuốt chính mình trước khi phê bình mọi việc khác.
Biết mơ ước, hành động và trau chuốt chính mình theo cách đúng nhất lại rất đơn giản.
Chỉ cần mở mắt ra, ngẩng đầu lên, sẽ thấy cả bầu trời cao thẳm có bốn mùa vĩnh viễn đi qua không ngừng, sẽ cảm được làn gió mát, làn nắng ấm, làn mưa lạnh, sẽ nghe được muôn vàn tiếng động thiên nhiên, và mùi hương trong một khoảng khắc trước khi tàn của đoá hoa ngoài kia. Thì chữ "nhân", "trung", "tâm" cũng sẽ được hiểu rõ ràng hơn: làm người phải có tâm, tâm ngay chính trong ta.
Để kết thúc, một câu trong "U mộng ảnh" đã đủ:
" Trang Chu mộng thấy mình hoá thành bướm, đó là cái may mắn của Trang Chu; bướm nếu mộng thấy mình hoá thành Trang Chu, thì đó là cái bất hạnh của bướm. "
Vì sao?
Vì sự tỉnh ngộ có thể đến trong cái chớp cánh bướm, nhưng có thể cả đời người, ta chưa hẳn đã hiểu đó chỉ là một giấc mộng nhiều sân-si trước khi lại trở thành một cánh bướm.
(Tranh thiền thuỷ mạc của Sư Cô Hạnh Đạt - Thiền viện Viên Chiếu)