Câu hỏi "Chúng ta thoát thai từ đâu?" (Muldashev) và Những đôi Mắt, phải có "duyên" mới tìm thấy được sự liên hệ
Không phải ngẫu nhiên khi lần lượt nhiều nhà nghiên cứu, bác học nổi tiếng trong những lĩnh vực khoa học-lý tính chuyển sang khía cạnh tinh thần-tâm linh với tất cả sự hứng thú, nhiệt tình và mê say.
Những ví dụ tiêu biểu và nổi tiếng nhất phải nói đến đầu tiên là tiến sĩ sinh vật học nổi tiếng Matthieu Ricard vốn nghiên cứu và làm việc cho Viện Pasteur ở Paris.
Ông sinh ra trong một gia đình vô cùng trí thức và khoa học của Pháp, cha ông là nhà bác học-triết học Jean Francois Revel, Viện sĩ của Viện Hàn Lâm Quốc gia Pháp. Ông đã dành tuổi thơ và quãng đường học của mình để đạt đến sự xuất sắc trong lĩnh vực sinh vật phân tử và học vị tiến sĩ sinh học quốc gia; ông và thầy hướng dẫn của mình - Francois Jacob, người đạt giải Nobel thế giới về sinh học, cùng nghiên cứu trong viện Pasteur qua nhiều dự án khác nhau.
Đến một ngày, ông làm cả gia đình, thầy mình, và giới khoa học Pháp sốc, ngỡ ngàng và không thể tin nổi khi thông báo về quyết định đi tu ở Tây Tạng.
Quyển sách "Cuộc đối thoại giữa Triết học phương Tây và Phật giáo phương Đông" chính là cuộc đối thoại giữa ông và cha mình. Cha ông, sau cú sốc đó, đã tìm mọi cách thuyết phục con trai nhưng đều không thành công.
Quyển sách là cuộc nói chuyện cuối cùng của chuỗi nỗ lực bất lực đó giữa 2 cha con, và là cuộc nói chuyện đầu tiên bắt đầu sự thông hiểu và chấp nhận nhau của hai người, với tư cách một Viện sĩ hàn lâm về triết học phương Tây và một sư Tây Tạng giác ngộ tâm linh phương Đông.
Những ví dụ khác phải nói đến nhà nghiên cứu-bác sĩ nổi tiếng người Nga Muldashev với các quyển sách nghiên cứu bí ẩn văn minh phương Đông, nhất là Tây Tạng; hay Laurence J. Brahm - nhà hoạt động xã hội toàn cầu kiêm luật sư tư vấn kinh tế, với quyển sách Shambhala về Tây Tạng.
Những tác giả này, cùng với những quyển sách này không phải thế hệ đầu tiên của giới khoa học kinh ngạc và bị thu hút mạnh mẽ bởi đề tài văn minh tâm linh châu Á. Trước đó đã có nhiều quyển tương tự, như quyển "Châu Á huyền bí" những năm 20-30 của thế kỷ 20 là tập phóng sự của một nhóm những nhà khoa học Mỹ khi trải qua những điều không thể tưởng tượng và giải thích được trước mắt họ ở Tây Tạng.
Tuy nhiên, những tác giả này lại là những người có thể dùng chính những kiến thức của mình để làm cho nền văn minh châu Á càng huyền bí và đẹp đẽ hơn.
Trong đó, có thể nói quyển "Chúng ta thoát thai từ đâu" của Muldashev đã tạo ra một cơn sốt toàn cầu trong nhiều năm liên tục cho đến tận hiện nay dành cho tất cả những người quan tâm và yêu thích đề tài này.
Phải nói về tác giả đầu tiên để hiểu ông là ai, và ông có gì đặc biệt để phải chú ý về những gì ông viết.
Muldashev là:
- tiến sĩ y học,
- giáo sư,
- Giáo đốc trung tâm phẫu thuật mắt và tạo hình Liên Bang Nga của Bộ Y tế Nga,
- thầy thuốc Công Huân - huy chương “Vì những cống hiến cho ngành y tế nước nhà”,
- nhà phẫu thuật thượng hạng,
- viện sĩ Viện Hàn Lâm nhãn khoa Mỹ,
- bác sĩ nhãn khoa có bằng của Mê-hi-cô,
- kiện tướng môn du lịch thể thao,
- ba lần kiện tướng Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Xô Viết
Ông cũng chính là người tiên phong thành công trong:
- y học - phẫu thuật tái sinh (tức phẫu thuật “cấy ghép” mô người)
- là người đầu tiên trên thế giới tiến hành phẫu thuật cấy ghép mắt thành công
- nghiên cứu những cơ sở của phẫu thuật tái sinh hàng loạt các bộ phận cơ thể người
- đã nghiên cứu 90 loại phẫu thuật mới, sáng chế và đưa vào ứng dụng 60 loại nguyên liệu sinh học alloplant, được đăng trên 300 công trình khoa học, nhận 56 bằng sáng chế của Nga và nhiều nước khác trên thế giới.
Tóm gọn lại, ông là bác sĩ hàng đầu của Nga về nhãn khoa, là bác sĩ nổi tiếng thế giới về những cống hiến lý thuyết và thực hành về mắt.
Con đường ông đi cho đến lúc nổi tiếng trong lĩnh vực của mình hoàn toàn lý tính và rõ ràng. Và rồi, ông đã bắt đầu có những phát hiện làm kinh ngạc chính bản thân mình, và sau đó là toàn thể thế giới, cũng nhờ lĩnh vực Mắt hỗ trợ.
Mọi việc khởi đầu từ dự án tìm ra những thông số cố định cho mắt, mà theo ông và nhóm nghiên cứu là khoảng 22 thông số, trong đó ông chỉ mới tìm được thông số cố định là đường kính của giác mạc được ví như "đơn vị đo lường" cơ bản của nhãn khoa, với nhận định vô cùng quan trọng là: đường kính giác mạc dường như không hề thay đổi, dù là người Âu, người Á, dù già hay trẻ, thì kích thước đường kính không thay đổi. Có vẻ đó là 1 hằng số của nhân loại.
Từ đó dẫn ông đến vấn đề nhân chủng học: mỗi dân tộc, mỗi chủng người khác nhau thì có những thông số mắt khác nhau.
Mà tại sao lại có nhiều dân tộc và chủng người?
"Nhiều học giả đã cố gắng tìm lời giải đáp cho các câu hỏi đó. Người thì chứng minh con người có nguồn gốc thần thánh (các nhà duy tâm), người thì bảo từ khỉ sinh ra (các nhà duy vật theo học thuyết Đác-Uyn). Trong nhóm thứ hai có các nhà bác học cho rằng các chủng tộc người khác nhau xuất thân từ các loài khỉ khác nhau."
Nhóm nghiên cứu của ông đã làm một phép thử để thêm phần tham khảo thú vị cho công việc, đó là lấy tất cả thông số của các loại mắt trên thế giới, từ những dân tộc và chủng tộc người khác nhau để cho ra thông số "Đôi mắt thống kê trung bình".
Tưởng như đó là một con số trung bình nào đó, nhưng rất trùng hợp một cách kỳ lạ, là sự thống kê trung bình đó hoàn toàn khớp với tất cả thông số về mắt của người Tây Tạng.
Sự việc này đã dẫn ông vào cuộc hành trình mà ông đã không bao giờ tưởng tượng ra được: hành trình đến Tây Tạng để nghiên cứu thêm về mắt, sau đó đến các đền đài cổ xưa ở đây, và sự tìm hiểu càng ngày xa, và sâu sắc về một trong những nền văn minh phương Đông, cũng như dẫn đến cả cái nhìn ngỡ ngàng về nền văn minh nhân loại. Để ông phải thốt lên câu hỏi bằng quyển sách của mình: Chúng ta thoát thai từ đâu?
Bởi vì sự trùng hợp các thông số mắt với đặc điểm của người Tây Tạng đã làm ông phải đặt câu hỏi về sự ngẫu nhiên hay không của tính toán, và câu hỏi, chẳng lẽ nguồn gốc của con người từ phía ấy mà lan đi thế giới và sau đó biến đổi phần nào để thích nghi với đặc điểm địa lý.
Khi ông phát hiện ra thêm một điều nữa là TẤT CẢ những ngôi đền ở Tây Tạng đều có vẽ hình một con mắt theo một hình dạng lạ kỳ, ông lại càng thắc mắc và tự mình dấn sâu vào nghiên cứu, bỏ hết mọi công việc khác.
Nên nhớ là Tây Tạng là một vùng vô cùng rộng lớn, hùng vĩ và bí hiểm. Rất nhiều nơi ở Tây Tạng không thể ghi trên bản đồ vì chưa có ai đến, hoặc chưa thể ghi lại được rõ ràng vùng đất đó dù với những phương tiện hiện đại như hiện nay.
Tây Tạng là nơi mà mọi người thật thà và tôn kính nhất với tôn giáo của mình. Thật thà là một đức tính của tất cả mọi người theo tôn giáo chân chính. Vì vậy, những bức hoạ vẽ Mắt ở tất cả những đền thờ ở Tây Tạng mà ông đã gian khổ tìm đến thăm phải từ nhận thức Chân thật này mà được vẽ ra, không thể vẽ với sự biến tấu, hay mang tính nghệ thuật.
Hơn nữa, hầu như những đền thờ ở đây đều trải qua thời gian trăm ngàn năm, thậm chí lâu hơn nhờ vị trí hoang vu và cô lập của mình. Không có chiến tranh, không có xâm lược, không có thuộc địa ở vùng đất này từ xưa đến giờ vì không ai và không quân đội, thế lực nào có thể tiến vào và ở lại trong vùng đất chỉ toàn những ngọn núi ngàn năm tuyết trắng.
Từ những ghi chép và vẽ lại các hình Mắt này, ông thấy từng chi tiết đều đặc biệt kỳ lạ, ví dụ như:
- thứ nhất, nhìn chung tổng thể bức hoạ thì không thấy có hình mũi bình thường như tất cả mọi người, mà chỉ là một vòng xoắn ốc ở vị trí mũi.
- thứ hai, "nếu mí mắt trên của người hiện đại có hình vòng cung rõ ràng thì mí mắt trên của hình vẽ lại nhô xuống như buông rủ xuống giác mạc".
- tiếp theo, "ở trung tâm phía trên hình hai con mắt một chút có một vết giống cái giọt. Nó ở tại chỗ mà phụ nữ Ấn Độ vẽ cái dấu trang điểm".
- cuối cùng, tất cả những đạo sư Tây Tạng đều khẳng định đây là những đền chùa và bức hoạ có niên đại rất lâu rồi, ngay cả trong kinh cổ cũng đã có những hình vẽ này, và khi được hỏi đôi mắt này là của ai thì tất cả đều im lặng không muốn trả lời.
Những câu hỏi về quá khứ sẽ không bao giờ có câu trả lời nào vì người xưa không hiện diện và trực tiếp trả lời.
Muldashev, bằng kiến thức chuyên gia về mắt của mình, đã lần lượt phân tích những câu hỏi mà ông có thể đoán ra câu trả lời tạm thời:
- vòng xoắn ốc ở mũi tồn tại cho những loài sinh vật sống dưới nước, tiêu biểu nhất là cá heo, cá voi đảm bảo ngăn chặn nước xâm nhập vào đường hô hấp khi đang ở dưới nước.
- không có mũi như chúng ta, nghĩa là:
"Chúng ta biết là sống mũi ở người hiện đại che khuất một phần thị trường từ phía trong: ở ngoài thị trường là 80 độ - 90 độ, bên trong là 35 độ - 45 độ. Bởi vậy người hiện đại có thị giác hai mắt (nhìn 2 mắt cho phép nhận biết khối của vật và khoảng cách tới vật đó) chỉ trong giới hạn 35 – 45 độ, chứ không phải 80 – 90 độ từ bốn phía. Sự bất tiện do sống mũi gây ra này chỉ nhận thấy dưới ánh sáng ban ngày, ánh sáng nhân tạo rõ hơn, và đặc biệt ánh sáng đèn đỏ cản trở đáng kể khả năng định hướng trong không gian. Trong trường hợp không có sống mũi con người sẽ nhìn được hai mắt trong phạm vi 80 – 90 độ từ bốn phía, điều này sẽ thuận lợi cho việc định hướng trong không gian dưới ánh sáng đỏ."
Đây là phân tích dựa theo nguyên tắc thích nghi của mọi loài sinh vật để phù hợp và -tồn tại trong môi trường liên quan.
- khúc lượn của hình hai mí mắt trên đền chùa Tây Tạng không bình thường, theo phân tích của ông thì rất thú vị như sau:
"Trước hết, khi nhắm, khe mắt không kín hoàn toàn do đoạn thõng xuống của mí trên cản trở. Vì không có sống mũi và nhìn cả 2 mắt trên toàn thị trường, kể cả ngoại vi, nên chủ nhân con mắt Tây Tạng khác thường có khả năng nhìn thấy ngay cả khi 2 mắt khép hờ. Dĩ nhiên, thị giác kiểu này (tức là khi khép hờ mắt) không phải tốt lắm, nhưng hoàn toàn đủ để định hướng trong không gian.
Người hiện đại khi khép hờ mắt không có “thị giác định hướng" kiểu như vậy...
Thuộc tính bảo tồn “thị giác định hướng” trong trạng thái khép hờ của con mắt Tây Tạng khác thường đã làm xuất hiện một cơ chế thích ứng nữa : đuôi khe mắt dài ra và giãn ra vào phía trong và xuống dưới. Điều này chứng minh có sự tiết và chảy nhiều nước mắt để duy trì độ ẩm cho mắt khi khe mắt không khép kín...
Vì sao khe mắt lại không khép kín và vẫn giữ được “thị giác định hướng” ? Chúng tôi không tìm được cách giải thích nào khác ngoài sự cần thiết bảo vệ lớp giác mạc mỏng manh khi phải bơi nhanh dưới nước. Người có hình con mắt trên các đền chùa Tây Tạng có thể bơi lội nhanh dưới nước, ... Sự thích nghi này của con mắt chứng tỏ rằng những con người này vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước."
Cùng với những giải thích mang tính khoa học, ông cũng đã say mê tìm thêm nhiều tư liệu khác liên quan đến tất cả những khía cạnh của cuộc sống người cổ xưa, xa hơn nữa là về các nền văn minh xưa, ngay cả những nền văn minh "chỉ nghe nói" mang tính huyền thoại.
Các nền văn minh mang tính huyền thoại là vì mọi người tìm được những tài liệu ghi chép về nó nhưng xét theo khoa học lý tính và bằng chứng của phương Tây, thì ngành khảo cổ học chưa tìm ra được vết tích. Vì vậy những nền văn mình này tự động được xếp vào phân loại "huyền thoại".
Muldashev đã tìm thấy tư liệu liên quan đến không gian ánh sáng đỏ:
"Tôi liền tìm đọc sách của nhà tiên tri Nốt-tờ-ra-đa-mút (năm 1555) và được biết nền văn minh trước đây của người Át lan tồn tại trong môi trường có các màu sắc đỏ tía: bầu trời đỏ, cây cối đỏ ... Từ đó có thể kết luận rằng hình con mắt trên các đền chùa Tây Tạng là của chủ nhân nền văn minh trước đây - người Át-lan huyền thoại.
Giờ thì trời có màu xanh và mắt của chúng ta thích ứng với điều đó. Tôi có cảm giác, khi trục xoay của trái đất thay đổi, thì màu sắc của bầu trời cũng phải biến đổi. Cũng vẫn qua quyển sách của Nốt-tờ-ra-đa-mút ấy tôi được biết kết cục của thảm họa toàn cầu đã hủy diệt người Át-lan, trục quay của Trái đất đã thay đổi và hai cực đã chuyển chỗ. "
- và điểm sau cùng:
"ở trung tâm phía trên hình hai con mắt một chút có một vết giống cái giọt. Nó ở tại chỗ mà phụ nữ Ấn Độ vẽ cái dấu trang điểm. Cái gì vậy ? Có thể giả định rằng cái vết có hình giọt đó mô phỏng “con mắt thứ ba”.
Được biết ở một thời xa xưa, con người có “con mắt thứ ba” (các dữ liệu của phôi học cho thấy điều này). Còn ngày nay, ở người hiện đại “con mắt” đó vẫn còn ở dạng tuyến tùng (đầu xương) ẩn sâu trong lòng bộ não. “Con mắt thứ ba” được coi là cơ quan năng lượng sinh học của con người (thần giao cách cảm...) và theo các truyện huyền thoại nó có thể làm nên những điều kỳ diệu : truyền ý nghĩ qua khoảng cách, tác động lên trọng lực, chữa bệnh ... "
Từ nhận định sơ bộ này, ông đã viết về quyết định tiếp theo của mình:
"Nhằm khẳng định hoặc phủ định giả thuyết của chính mình, chúng tôi đã tổ chức chuyến thám hiểu quốc tế, thành phần, ngoài Nga ra, còn có đại diện của Ấn Độ và Nê Pan. Chuyến thám hiểm được tổ chức dưới sự bảo trợ của Viện khoa học Quốc Tế thuộc Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này bao gồm các học giả hàng đầu thế giới, trong đó có cả những người đạt giải thưởng Nô-ben, rất quan tâm tới các nghiên cứu của chúng tôi. "
Và cuộc hành trình đó đã kéo dài hết lần này đến lần khác cho đến tận hiện nay, được ghi lại bằng những ký sự - nghiên cứu khoa học của ông. Và trong hành trình của mình, ông càng ngày càng khám phá thêm những sự kiện, những khía cạnh liên quan đến tâm linh và những điều bí ẩn về văn minh loài người.
Cho đến hiện nay, câu hỏi: Chúng ta thoát thai từ đâu?, không phải là câu hỏi mới, nhưng luôn luôn là một điều tìm kiếm cho những ai yêu mến đề tài tôn giáo, tâm linh, văn minh và triết học.
Có lẽ, tìm ra được những gì, trải nghiệm được những gì, chỉ những ai có duyên mới hạnh ngộ được, dù có thể chỉ qua sách vở. Còn những ai đã không muốn tin, dù có cầm 10 quyển sách của những tác giả tâm huyết như Muldashev, vẫn sẽ không thể tin được, dù chỉ là lòng tin với trí tưởng tượng.