"Không nước, không trăng" (Osho) - Thiền nghĩa là Không nửa vời và Rất thực tế
Thực tế đến nỗi, qua từng câu chuyện và lời giảng giải về tính thiền và sự giác ngộ, người đọc sẽ phải tỉnh ra dần dần từ đầu đến cuối quyển sách, vì sự thẳng thắn trước sự "ngu muội" của đa số mọi người sẽ không cho phép bạn tự loại mình ra dạng này, và tự xếp mình vào hàng thông minh, hiểu biết đâu. Càng đọc, sẽ càng thấy mình vẫn còn quá "ngu, dốt và hợm hĩnh" dù có cố ý hay không, dù có ý thức được điều đó hay không. Và như vậy là tốt, vì sự tỉnh táo không thể phản kháng trước một quyển sách sẽ làm cảm xúc của bạn được tích luỹ lại, để đến một lúc nào đó, nếu bạn gặp may, sẽ bỗng dưng phì cười trước sự tầm thường của mình. Đó chính là bước đầu của mọi sự tốt đẹp: nhận biết cái ngu-dốt-tầm thường của mình.
Thực tế đến nỗi, có một câu chuyện nhỏ trong sách kể: Một cặp yêu nhau say đắm, tha thiết trong khi người đàn ông thì lại xấu xí, và người phụ nữ thì xinh đẹp. Một ngày kia, người đàn ông cầu hôn người phụ nữ với chiếc nhẫn kim cương. Người phụ nữ nhìn chiếc nhẫn và nói: Viên đá này có chỗ khiếm khuyết bên trong. Người đàn ông liền nói: Tình yêu là chấp nhận tất cả, là mù quáng với nhau. Người phụ nữ bèn trả lời: Đúng, nhưng không mù quáng với kim cương đâu.
10 câu chuyện lớn và hàng chục câu chuyện nhỏ VÔ CÙNG có ý nghĩa xuyên suốt quyển sách tạo ra sức khuấy động và lắng đọng đồng thời trong suy nghĩ, cảm nhận. Chính là hai trạng thái cơ bản để hoàn thiện một vòng tròn của số 0, của Không: Không nước-Không trăng, đồng nghĩa với đầy đặn và toàn vẹn của Hiểu biết về Thiền.
Trong hàng loạt câu chuyện từ quyển sách, có 2 câu chuyện nhỏ liên quan đến cùng một chủ đề: Tượng Phật, và thể hiện được toàn bộ nội dung chính của sách: Yêu-Một-Hiện hữu, Không nước-Không trăng.
Câu chuyện thứ nhất là về một ni cô và tượng Phật, câu chuyện thứ hai về một đạo sư thiền và tượng Phật. Cả hai câu chuyện, giống như những câu chuyện khách, đều: thấy vậy mà không phải vậy, hiểu vậy cũng là chưa hiểu.
"Một ni cô đang tìm kiếm chứng ngộ làm một chiếc tượng Phật bằng gỗ và bao phủ nó bằng vàng lá. Nó rất đẹp và cô ấy đã mang nó theo mình tới mọi nơi cô ấy tới.
Nhiều năm qua đi, và vẫn mang theo tượng Phật của mình, ni cô này định cư trong một ngôi chùa miền quê nhỏ bé, nơi có nhiều tượng Phật, mỗi tượng đều có bệ thờ riêng.
Ni cô thắp hương trước bức tượng Phật vàng của mình hàng ngày, nhưng không thích ý tưởng về hương của mình lạc sang các tượng khác, nên cô ấy đã nghĩ ra cái phễu để cho khói sẽ chỉ bốc lên tượng của mình.
Điều này làm cho nhọ mũi của bức tượng vàng thành đặc biệt xấu."
Câu chuyện ngắn thứ hai:
"Có một lần Ikkyu ở tá túc tại một ngôi chùa. Đêm rất lạnh và có ba bức tượng Phật bằng gỗ trong chùa, thế là ông ấy đốt một tượng để sưởi ấm. Sư trụ trì đang ngủ say vì đêm lúc đó là giữa đêm, và đêm lại rất lạnh, ông ấy trở nên nhận biết rằng có cái gì đó đang diễn ra, nên ông ấy nhìn ra.
Tượng Phật đang bị đốt, và người này - Ikkyu - đang ngồi đấy, hạnh phúc hơ tay mình. Sư trụ trì phát khùng, ông ta nói: Ông làm cái gì thế này? Ông có là người điên không? Mà tôi cứ ngỡ ông là sư Phật giáo, đó là lý do tại sao tôi đã cho phép ông tá túc lại trong chùa, và ông đã làm hành động báng bổ nhất.
Ikkyu nhìn vào sư trụ trì và nói: Nhưng Phật bên trong tôi đang cảm thấy rất lạnh, cho nên vấn đề là liệu hy sinh Phật sống này cho Phật gỗ, hay hy sinh Phật gỗ cho Phật sống, và tôi đã quyết định cho cuộc sống.
Nhưng sư trụ trì đã điên thêm vì giận dữ, ông ta không thể nào nghe được điều này, ông ta nói: Ông là thằng điên. Ông cút khỏi đây đi. Ông đã đốt Phật.
Thế là Ikkyu bắt đầu cời tượng Phật cháy thành tro ra, bức tượng gần như đã cháy hết. Sư trụ trì hỏi: Ông làm gì vậy?
Ikkyu nói: Tôi đang cố tìm xương của Phật.
Thế là sư trụ trì cười ngất và nói: Ông là thằng ngốc hoặc thằng điên, và ông đã hoàn toàn điên rồi. Ông không thể tìm được xương ở đó, bởi vì nó chỉ là tượng bằng gỗ.
Ikkyu cười, ông ấy nói: Thế đem nốt hai tượng Phật kia lại đây, đêm vẫn còn rất lạnh và sáng vẫn còn xa xôi lắm.
Ông ấy bị tống ra ngoài ngay lập tức, ra ngoài chùa ngủ. Đến sáng, ông ấy vẫn ngồi bên lề đường bên ngoài ngôi chùa, tôn thờ một cột mốc đường, để hoa và làm lời cầu nguyện. Sư trụ trì nói: Ông là thằng ngu! Trong đêm, ông đã cư xử bậy bạ với Phật, ông đã làm gì vậy? Ông đã phạm tội lỗi, và bây giờ ông đang làm gì với cột mốc này đâu? Đây không phải tượng Phật.
Ikkyu nói: Khi ông muốn cầu nguyện, mọi thứ đều là tượng. Lúc đêm, vị phật bên trong cảm thấy rất lạnh. Vào lúc này, vị phật bên trong cảm thấy rất cầu nguyện.
Về sau, Ikkyu trở thành một trong những bậc thầy lớn nhất, rất hiếm hoi và cách mạng, lập dị. Ông có hàng nghìn đệ tử trên khắp đất nước."
Hai câu chuyện này, đọc thì có vẻ dễ hiểu, ai cũng có thể hiểu ngay, thậm chí còn có thể nói rằng: tưởng chuyện về thiền như thế nào, nhưng thế này thì đơn giản quá, tôi đã biết từ lâu, Phật ở trong tâm thôi mà. Có phải không?
Câu trả lời là không. Bởi vì ai cũng nghĩ, Phật ở trong tâm, Phật ở trong ta, nên tự cho mình nhiều "quyền hành" và "xét đoán" hơn bình thường. Đúng là "Phật ở trong tâm", nhưng phải xem là tâm của ai, và tâm như thế nào thì mới trong lành và đủ sạch cho vị Phật đó.
Ví như ở câu chuyện thứ nhất, vị ni cô là người trong giới tu hành, lại đi nhiều nơi, nên để thuận tiện cho đức tin của mình, ni cô đã làm một bức tượng Phật bằng gỗ. Sau đó, để tăng thêm giá trị cho bức tượng của mình, ni cô đã cho dát vàng lá bao phủ toàn bộ tượng Phật. Đa số chúng ta nhìn vào đó sẽ tấm tắc khen ni cô có lòng biết bao, bỏ bao nhiêu tâm huyết và tiền bạc vào tượng Phật mà không tiếc, đúng là sự "cúng dường" rộng lượng, và không còn vướng bận sân si, tính toán khi tốn kém như vậy.
Nhưng hãy xét kỹ lại mà xem, làm một bức tượng đem theo bên người, và lại dát vàng bức tượng đó, đây là vấn đề cá nhân, không hề liên quan đến chuyện niềm tin, lại càng không thể nói đó là sự vô tư không để ý hình thức.
Phật tồn tại khắp nơi, chắc chắn không vì bức tượng gỗ mà trở thành Phật duy nhất chỉ ở nơi đó, cũng không vì không có bức tượng gỗ mà lại không tồn tại nữa.
Bức tượng dát vàng, suy cho cùng, bên trong bản chất cũng là gỗ, không phải vàng. Mà có dát vàng từ đầu đến cuối, đặc vàng từ trong ra ngoài, thì nói ngắn gọn vẫn là một bức Tượng Phật bằng vàng, chứ không phải Phật. Giá trị của Phật không thể vì bằng gỗ mà giảm bớt, cũng không vì vàng mà tăng lên.
Như vậy, với tâm trí tưởng là mình đã hoàn toàn theo niềm tin của mình, ni cô đã phiêu dạt từ làng này đến làng khác, từ chỗ này đến chỗ kia, có thể cũng đã từ kiếp này qua kiếp khác, nhiều đời lắm rồi. Ni cô đang đi tìm chứng ngộ, nhưng bao thời gian đã trôi qua, không có chứng ngộ xảy ra, và ni cô đến lúc mệt mỏi thì lui về một ngôi chùa bé nhỏ để ẩn thân.
Ni cô đặt tượng Phật vàng của mình vào bệ thờ, nhưng không thích ý tưởng là hương thắp nhang của tượng mình lại bay sang tượng khác, thế nên gắn cái phễu vào, từ đó tượng bị nhọ đen ở mũi, bỗng trở nên xấu xí không thể tưởng.
Theo con đường niềm tin từ bao lâu, nhưng ni cô vẫn có khái niệm "thích" và "không thích" liên quan đến ý tưởng. Ý tưởng - hương nhang, chính là những điều vô hình, vô thường và vô nghĩa. Bởi vì nó đến nhanh, đi nhanh. Bởi vì nó xâm chiếm cả không gian và chóng tàn cùng với thời gian. Bởi vì nó là hiện thân rõ nhất cho sống và chết: có ý tưởng được sinh ra, nghĩa là sẽ có điều khác mất đi, nhanh cháy lên để rồi lại rơi xuống thành cát bụi.
Và tình yêu, cái mà ni cô trong truyện, và chúng ta-người đọc truyện, ngỡ là tình yêu thì hoàn toàn không phải là tình yêu. Ni cô tưởng mình yêu thương bức tượng lắm. Chúng ta thấy ni cô có vẻ trân trọng, cưng chiều bức tượng của mình lắm. Nhưng không phải vậy. Đó là sự sở hữu. Và mọi sự sở hữu trên đời này đều không phải là tình yêu nhân tính, lại càng không hề là tình yêu "phật tính".
Sự sở hữu là sự kiểm soát và đặt quyền của "tôi" lên một người hay một vật. Bản ngã xuất hiện và chi phối mọi thứ. Còn tình yêu, là đặt người kia hoặc điều mà mình yêu thương lên trên hết, còn chính mình thì hoà trong đó.
Cho nên, khi ta vừa yêu một người, yêu thật sự, thì sẽ nghĩ: Cô ấy đang làm gì? Anh ấy có vui không? Mình làm vậy có tốt không? Mình có xứng đáng với tình yêu này không? Mình có đủ tốt không?..
Nhưng khi không yêu, hoặc hết yêu, hoặc khi đám cưới xong, thì sự sở hữu bắt đầu nổi dậy: Tại sao anh ấy không làm điều này cho mình? Cô ấy không đủ tốt như mình hy vọng, phải bắt cô ấy hiểu ra như vậy? Mình rất thất vọng, có phải anh ấy không xứng đáng với mình?...
Rất dễ hiểu là vì, nếu yêu thật sự thì tình yêu lấp hết mọi cảm xúc: ta không có thất vọng, ta không có đòi hỏi, ta không có tính toán, không so sánh. Ta cảm thấy đủ, và không quan tâm đến sự nhận lại bao nhiêu cho đủ "thu-chi". Nhưng khi không có tình yêu, thì hoặc là ta phải làm ra vẻ là yêu rồi dẫn đến thất vọng và chịu đựng, hoặc là phải kiếm cách để gỡ gạc lại chỗ trống tình cảm đó bằng vật chất.
Trong cả hai trường hợp đều là dạng thể hiện của sự sở hữu, để khẳng định "chủ quyền" của mình trên một người, hoặc với một vật nào đó, trước mọi người hoặc để tự trấn áp mình trước thực tế là nếu mình bỏ ra, mình sẽ mất điều đó trong khi đã "đầu tư" quá nhiều.
Đó là trường hợp của ni cô. Bởi vì đã tốn kém quá, nên những tính toán và chi tiêu vẫn luôn nằm trong đầu của ni cô, và ni cô muốn bức tượng của mình phải nhận được sự đặc biệt nhất dù cho không ai công nhận. Đi bao nhiêu năm mà bức tượng với vàng lá phủ lên trên vẫn không thể giúp gì cho ni cô đi tìm chứng ngộ, thì bây giờ, ít nhất là nhang khói dành cho bức tượng chỉ dành cho Phật vàng này của cô.
Khi con người trở nên sở hữu, con người thường có những ý tưởng rất lạ thường. Và những sự lạ thường đó thường dẫn đến những quyết định kỳ lạ, và kết quả tiêu cực, xấu xí.
Đọc câu chuyện ngắn thì thấy quá đơn giản và cá biệt cho trường hợp của ni cô. Nhưng khi nhìn quanh, ta sẽ thấy hình như toàn thể những người tự cho mình là trí thức, hiểu biết và tràn đầy đức tin trên thế giới đều giống nhau và làm như ni cô vậy.
Người theo Thiên chúa giáo mở những cuộc tàn sát để bắt mọi người cải đạo. Đó là ý muốn chiếm hữu và sở hữu, không phải tình yêu thương. Những người Hindu giáo chỉ cho những người theo Hindu vào đền thờ của mình. Những người Tin lành chỉ chấp nhận chúa và những người đồng đạo. Người Hồi giáo chỉ yêu mến Chúa trời của mình, và không chấp nhận mọi đức tin khác, v.v. Mọi người theo đạo và chúa của mình, đồng thời chê bai và phỉ báng đạo và chúa của tôn giáo khác. Không ai muốn chúa và Phật của đạo khác được hưởng chung hương thơm từ nhang trước tượng Chúa của mình. Và không ai biết rằng, như vậy thì tượng Chúa trời, Thượng Đế, Phật của họ cũng không vì vậy mà không bị nhọ đen trở thành xấu xí, dù có làm bằng vàng.
Cũng liên quan ý đó, nên trong câu chuyện thứ hai, vị đại sư Ikkyu không câu nệ hình thức tượng Phật, mà chỉ chú ý đến tác dụng và hoàn cảnh thực tế. Nếu trời quá lạnh, và lại có gỗ, thì rõ ràng là một ngọn lửa có thể sưởi ấm và cứu sống một người.
Nếu lấy cái "chết" để so sánh với cái "sống", ai cũng chọn cái "sống". Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta lại không phân biệt nổi cái nào là sống, và cái nào là chết. Nếu có Phật hiện ra lúc đó, chắc chắn Phật sẽ làm như đại sư Ikkyu thôi. Thế nên, trong đời chỉ tồn tại một đức Phật như thế, cũng chỉ có một Ikkyu như thế, trong khi đầy rẫy những "sư trụ trì" vẫn còn lầm tưởng giữa "bản chất" và "hình thức".
Tình yêu thương luôn là Một. Nếu là Hai, nghĩa là ta chưa từng yêu thương điều gì hay ai đó cả. Một nghĩa là nhất quán, là không ghét, không yêu, không yêu nhiều, không yêu ít. Yêu thương, là Yêu thương. Yêu-thương là tin tưởng. Vì có tin tưởng, nên sẽ nhất quán; nếu không có tin tưởng, sẽ là hoài nghi, dằn vặt, hay hối tiếc.
Khi ta Yêu một cách trọn vẹn và nhất quán ai đó hay điều gì đó, ta được Hiện hữu.
Hiện hữu, vì ta biết mình là ai, thích gì, yêu gì, nên làm điều gì để luôn luôn trước sau như một với tình yêu đó bằng tất cả sự tin tưởng.
Khi không hay chưa Hiện hữu, ta lạc lối giữa cuộc đời này với nghi ngờ và tiếc nuối, với những tình cảm chính thức-dự phòng để tìm sự an toàn-đầy-vọng tưởng. Không bao giờ có sự an toàn nào hết từ bên ngoài.
Câu chuyện về "Không nước-Không trăng" là để nói về sự đi tìm vọng tưởng mãi mãi của những tâm trí cũ kỹ và nặng nề. Chuyện về một ni cô học kinh và cách giải thoát, bao nhiêu năm học, cô vẫn chưa thể hiểu. Mỗi ngày, cô đều đi xách nước với chiếc thùng nước cũ và xộc xệch. Một ngày kia, thùng nước vỡ. Nước chảy lênh láng, và ánh trăng phản chiếu tròn trịa lúc này trong thùng nước giờ vỡ thành hàng nghìn mảnh. Ni cô nhìn cảnh ấy. Và cô giác ngộ. Cô được giải thoát.
Bởi vì cô quá giáo điều và lý thuyết, cô đi học kinh và cách giải thoát. Không ai học được cách giải thoát cả. Mỗi người là một kinh nghiệm. Tâm trí cô như chiếc thùng đựng nước: cũ kỹ và quá đầy rồi. Đầy đến nỗi không thể chứa thêm bất kỳ điều gì. Dù cho ánh trăng có phản chiếu lung linh trong nước, suốt bao năm cô gánh nước về vẫn thấy đó thôi, nhưng không thể thấy được. Cô nhìn ánh trăng đó bao lần đêm rằm, nhưng cô không thấy ra được điều gì. Bởi ta nhìn là một việc, có thấy được gì không là một vấn đề khác. Đến khi tâm trí đó, cũ kỹ và nặng nề, và đầy nhóc, y như chiếc thùng nước, đã đến lúc mệt mỏi và không thể tiếp tục tải thêm được nữa thì sẽ bị vỡ. Khi thùng vỡ, ni cô chợt giác ngộ.
Ánh trăng mà cô ngỡ nhìn thấy, cuối cùng chỉ là ảo ảnh. Điều mà cô chất chứa cho đầy trí óc chỉ là kinh lý thuyết. Mọi thứ là vọng tưởng. Ánh trăng trong nước không là trăng, chỉ là hình phản chiếu. Nước trong thùng cũng chỉ là ảo ảnh, nó không thuộc về thùng, nó chỉ đơn giản là nước. Cô ngỡ thùng của mình đầy nước và có ánh trăng. Nhưng khi thùng vỡ, không còn nước, cũng không còn trăng, mọi thứ cuối cùng có ích gì khi ánh trăng thật chính là ở nơi khác mà cô không chịu trải nghiệm nhìn thấy.
Sự chạy theo ánh trăng của chúng ta luôn là vậy.
Cái hợm hĩnh dát vàng toàn tượng Phật và sở hữu cả mùi nhang thơm cũng luôn là vậy. Nó vướng vít trong tâm trí. Vì không thể Yêu, nên không thể Bỏ. Thế nên cái bản ngã không được bỏ, thì càng không thể Yêu, và bản thân không thể Hiện hữu. Khi đã không thể biết cái gì Hiện hữu, cái gì là Ảo ảnh, thì đành đợi một ngày tự trải nghiệm "Không nước-Không trăng".
Quyển sách này chắc chắn là kén người đọc. Không phải vì khó đọc, nó rất dễ đọc, đọc lại dễ nhập tâm, nhập tâm thì rõ là thích thú. Nhưng kén người đọc, vì chính người đọc sẽ dùng "tâm trí" của mình để đọc và đánh giá, lại có thể dùng đến cả logic để phân tích và so sánh, biện luận, rồi lại có thể kết luận theo sự đúng sai của mình.
Không cứ phải Osho viết là đúng. Cũng không phải tìm ra được điểm vô lý là hay.
Đọc với không đúng-không sai mới đúng là đọc thiền.
Đọc mà có thể tự hài lòng nếu thấy được cái "dốt" của mình tương tự nhân vật nào đó, mới là thú vị.
Đọc xong, bỏ sách xuống, sẽ thấy bỗng tâm trí nhẹ hẫng, và trái tim như được tràn đầy.
Bởi: tình yêu và niềm tin không bao giờ cần dùng đến lý luận, Thiền và yoga cũng chính được tạo ra chỉ để đạt được mục đích duy nhất: thanh lọc cơ thể khỏi những lý luận nặng nề và mệt mỏi.
Lý luận là thứ "chết" vì nó được hình thành từ quá khứ, không tồn tại lý luận hay định nghĩa nào dành cho những khái niệm chưa xảy ra; còn tình yêu và niềm tin lại để dành cho hiện tại và tương lai, chính là điều "sống".
Vậy nếu đã đủ thực tế để đối diện với sự thật cuộc sống, ta có thể bắt đầu Thiền được rồi.
"Không nước, không trăng. Đủ cho hôm nay" (câu kết trong sách sau mỗi câu chuyện)
Link đọc sách trực tiếp: https://static.blog4ever.com/2009/04/309902/artfichier_309902_279221_201109160059485.pdf