pour: TOI

"Hậu Hắc Học" (Lý Tôn Ngô) - Sự thật thật sự về các màu sắc trong nhân cách

Bắt đầu là những bài viết nhỏ trên báo, sau đó là in sách bán chạy như tôm tươi, tiếp theo là thời kỳ bị cấm in ấn, phát hành, và giờ đây trở thành một trong những đầu sách "bí mật" của chương trình đào tạo các nhà ngoại giao, chiến lược Trung Quốc, quyển "Hậu Hắc Học", với cái tên độc đáo của mình, đã trở thành lý thuyết độc nhất vô nhị của toàn Trung Quốc về nghiên cứu nhân cách học. Có thể nói, trước và sau "Hậu Hắc học", không có quyển nào đạt được sự Thâm-Sâu như vậy về nhân cách: Thâm thuý, và Sâu sắc.

 

Cách viết vui vẻ, nhẹ như không, cùng những ví dụ lịch sử và cách phân tích sắc bén, đã làm cho "Hậu Hắc Học" ngày nay, tuy không còn bị cấm ở Trung Quốc, nhưng cũng trong danh sách những quyển "nguy hiểm" vì quá... đúng về sự thật đằng sau những "nhân cách lớn", những "tượng đài lịch sử", và cách vận hành của guồng máy hậu trường. Và đặc biệt, lĩnh vực của quyển sách rất rộng, có thể nói, Học về Hậu Hắc là để hiểu và đối phó với các Hậu-Hắc khác, mà cũng để thực hành và phát triển cuộc sống của mình qua những nguyên tắc của Hậu-Hắc.

 

 

Giới thiệu hơi dài dòng như vậy để thấy sự li kỳ của quyển sách ngay cả trước khi biết về nội dung. Được tác giả, vốn là nhà Nho tinh thông chữ nghĩa, nghiền ngẫm trong 30 năm, qua hơn 24 bộ sử đồ sộ của Trung Quốc, chính sử cũng như dã sử, chính quy cũng như không chính quy, nội dung của quyển sách cuối cùng đã được đúc kết lại vô cùng đậm đặc trong cái tên có vẻ rất "chuyên môn": Hậu Hắc Học.

 

Dịch ra, rất thẳng và không vòng vo: Hậu nghĩa là phía sau, để nói Mặt dày, vì phía sau gương mặt đó là cả một thế giới khác, Hắc nghĩa là đen, để nói Tâm đen, vì không lúc nào nhân tâm lại không có chút dậy sóng, chỉ là ít hay nhiều mà thôi, và Học nghĩa là Khoa học, Nghiên cứu, để nói về sự công phu sưu tầm, suy ngẫm, quan sát, phân tích, và kết luận nghiêm túc của tác giả, chứ không phải một quyển sách tầm phào.

 

 

Vậy, Hậu Hắc Học nghĩa đen là Mặt dày-Tâm đen, nghĩa bóng là, vẫn Mặt dày-Tâm đen, nghĩa xấu là Mặt dày-Tâm đen, và nghĩa tốt là, vẫn Mặt dày-Tâm đen.

 

Tại sao? 

 

 

Theo Lý Tôn Ngô, khi ông đọc xong hai mươi mấy pho sử Trung Quốc, trong đầu luôn có câu hỏi về các nhân vật chính diện, cũng như phản diện. Bên nào rõ ràng cũng có tài năng, nhưng tại sao có những người sẽ cùng thành công như nhau, tốt cũng như xấu? Hoặc tại sao, có những người tốt lại không thể tồn tại lâu hơn người xấu? Và nếu có điểm chung giữa hai loại người này, thì đó sẽ là gì?

 

 

Ông đã viết, sau hơn 30 năm nghiền ngẫm thì cuối cùng, ý nghĩ ban đầu vẫn như một, và đã được khẳng định. Ý tưởng đó bao gồm hai ý: thứ nhất, xấu hay tốt chỉ là điều mọi người số đông gán ghép và suy diễn cho một người, hoặc một hành động nào đó, mà thật ra nếu không biết được nội tình bản chất thì không thể kết luận như vậy dù có được ghi vào sử sách; thứ hai, thành công của chính diện hay phản diện, vua tướng cũng như thương nhân, người thường thật ra nằm ở sự thật: Mặt có đủ dày, và Tâm có đủ đen hay không.

 

 

Mặt dày và Tâm đen, hiểu chung đúng nhất là có đủ sức đối mặt với những thị phi và đàm tiếu của người khác để tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình không, và tâm trí có đủ mạnh để hoàn thành kế hoạch của mình hay không. Tuỳ theo mức độ nào, từ 1 đến 3, mà độ tinh vi của Mặt dày-Tâm đen đến đâu: lộ liễu bất chấp mọi giá, tinh vi theo đuổi mục đích ngắn hạn, hay đã ngấm vào xương tuỷ để thành một cách sống. Xấu hay tốt, lại tuỳ vào kết quả hay hậu quả tạo ra. 

 

 

Câu cảm thán vui mừng của ông khi phát hiện ra điều này, thật là đáng kinh ngạc:

"Một hôm bỗng nghĩ tới những nhân vật thời Tam Quốc, không ngờ lại bừng tỉnh nhận ra rằng: “Thấy rồi! Thấy rồi! các vị anh hùng hào kiệt xưa kia chẳng qua chỉ là những kẻ mặt dày tâm địa đen tối mà thôi”.

 

Những vị anh hùng thời Tam Quốc, trước hết phải nêu lên Tào Tháo, sở trường đặc biệt của ông, tất cả đều ở tâm địa đen tối: Ông giết Lữ Bá Sa, giết Khổng Dung, giết Dương Tu, giết Đổng Thừa Phục Hoàn, giết Hoàng Hậu, Hoàng tử, ngang nhiên làm tất cả, hơn nữa còn trắng trợn nói: “Thà phụ người, không để người phụ ta”. Quả là tâm địa đen tối đến cực điểm, đã có những việc làm như vậy, đương nhiên gọi là anh hùng cái thế rồi... 

 

Tiếp đến phải kể đến Lưu Bị, sở trường đặc biệt của ông ta đều tất cẩ trên bộ mặt dày. Ông ta dựa vào Tào Tháo, dựa vào Lã Bố, dựa vào Lưu Biểu, dựa vào Tôn Quyền, dựa vào Viên Thiệu, chạy khắp đông tây, dựa dẫm vào người ta rồi lại bỏ, thật là vô liêm sỉ. Hơn nữa suốt cuộc đời chỉ giỏi khóc, người viết Tam Quốc Chí đã mô tả ông ta thật khéo tài tình, hễ gặp việc gì không thể giải quyết được là khóc một hồi trước mặt người đối thoại, lập tức chuyển bại thành thắng. Cho nên tục ngữ có nói: “Giang sơn Lưu Bị là nhờ có khóc mà được!”. Đó cũng là một anh hùng có bản lĩnh. 

 

Ông ta và Tào Tháo có thể nói là một cặp tuyệt vời. Khi họ hâm nóng rượu luận bàn anh hùng trong thiên, một kẻ có tâm địa đen tối, mặt kẻ mặt dày mặt dạn, đều xoay quanh chuyện bọn viên Bản sơ bỉ ổi vô cùng, cho nên Tào Tháo nói: “Anh hùng trong thiên hạ, chỉ duy có sứ quân và Tào này mà thôi!”

 

Về sau Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền nối tiếp nhau chết cả, cha con họ Tư mã thừa cơ nổi lên. Ông thâu tóm cả sự tham lam của Tào, Lưu, đã thành công lớn nhờ nắm được môn “Hậu Hắc Học”, ông ta lừa dối những người vợ góa con côi, tâm địa đen tối như Tào Tháo vậy; có thể chịu mọi nhẫn nhục, mặt dày mặt dạn còn hơn cả Lưu Bị. Tôi đọc lịch sử một đoạn Tư Mã Ý chịu nhẫn nhục, khi nhận bộ quần áo đàn bà rồi, bỗng đập bàn lớn tiếng: “Thiên hạ phải thuộc về họ Tư Mã!”.  Cho nên khi có thời cơ ấy, thiên hạ không thể không thống nhất. Đây là “Việc đến tất phải đến, lễ đời cố nhiên là như vậy”

 

Võ Hầu Gia Cát là bậc kỳ tài trong thiên hạ, một người giỏi nhất trong thời Tam Quốc. Khi gặp Tư Mã Ý cũng không làm gì nổi, ông ta quyết tâm “Phải cúc cung tận tụy cho đến chết thì thôi”, cuối cùng không dành được tấc đất nào ở Trung Nguyên nữa, rút cục hộc máu mà chết. Có thể thấy cái tài phò tá nhà vua cũng không phải là địch thủ của những kẻ nổi tiếng “Hậu Hắc”

 

Tôi lấy những việc làm của mấy người, nghiên cứu  đi nghiên cứu lại, mới phát hiện được bí quyết không hề truyền lại của thời xưa này. Cả 24 bộ sử điều nhất quán: họ là “Hậu Hắc cả mà thôi”."

 

 

Nói về thất bại khi không đủ Hậu-Hắc để làm việc lớn, Lý Tôn Ngô đã dùng đến ví dụ là Hạng Vũ nổi tiếng:

"Hạng Vũ là một anh hùng bạt sơn cái thế. Tiếng quát của ông vang động làm hàng ngàn người bạt vía, tại sao phải chịu chết ở Đông Thành làm trò cười cho thiên hạ? Nguyên nhân thất bại của ông ta đã được Hàn Tín nói lên bằng hai câu: “Lòng nhân ái của người vợ, sự dũng cảm của người chồng”, đã bao quát đủ rồi.

 

Lòng nhân ái của người vợ là trong lòng không có sự bất nhẫn, căn bệnh ấy là do tâm can không đen tối; sự dũng cảm của người chồng là không chịu nín nhịn, căn bệnh ấy không phải ở bộ mặt dày.

 

Bữa tiệc ở Hồng Môn, Hạng Vũ và Lưu Bang cùng ngồi một chiếu, Hạng Vũ đã rút kiếm ra, chỉ cần kề vào cổ Lưu Bang thì cái chiếu bài “Thái Cao Hoàng Đề” sẽ về ông ta ngay. Hạng Vũ vẫn cứ loanh quanh không nỡ nhẫn tâm, thế rồi Lưu Bang trốn thoát. Sự thất bại của Hạng vũ ở Cai Hạ, nếu vượt được Ô Giang, khuấy đảo lại giang sơn chưa biết ai sẽ chết.

 

Ông ta lại nói: “Mượn tám ngàn người con cháu đất Giang Đông, vượt sông sang phía tây, nay không còn một ai trở về được, giả sử anh, em, bố, mẹ họ ở bên kia sông vẫn thương nhớ ta, còn mặt mũi nào mà gặp họ. Giả sử họ không nói thì lòng ta tránh sao hổ thẹn được!?”. Câu nói ấy vô cùng sai lầm. Ông nói: “Mặt mũi nào mà gặp họ”. Lại nói rằng: “Lòng ta biết hổ thẹn!” rút cục bộ mặt thật của một con người cao cả là sao sống được, rồi không suy nghĩ thêm, lại than rằng: “Trời quên ta rồi, không phải tội là không đánh”. E rằng có lên trời cũng không sao thoát được!"

 

Đó là ý ông muốn nói, sự từ bi, thương cảm của một người thường là tốt, nhưng đối với một vị tướng trước đại cuộc chung thì thành ra điểm yếu chết người. Lời than thở và ai oán đó, cuối cùng cũng không thể thay đổi tình thế, lại còn làm chùn bước của những quyết đoán. Nếu như trong giây phút quyết định, một vị tướng không thể ra tay, thì có thể coi đó cũng là lúc quyết định hậu sự của vị tướng đó và của toàn thể quân đội, nhân dân.

 

 

Một bài học tiêu biểu cho sự Mặt dày-Tâm đen chính là thành công của Việt Vương Câu Tiễn:

"Sau khi ở Cối kê thất bại, Câu Tiễn tự mình xin làm bầy tôi cho Ngô vương, đưa vợ vào làm tỳ thiếp trong cung Ngô vương, đó  là bí quyết của “Hậu”. Về sau cử binh đánh Ngô, Phù Sai sai người đến khóc lóc xin tha, cam chịu xin làm bầy tôi, đưa vợ ra xin làm tỳ thiếp, Câu Tiễn không buông tha, không giết Phù Sai không được, đó là bí quyết của “Hắc” vậy. Do đó thấy rằng: “Hậu Hắc cứu quốc” trình tự của nó trước hết dùng “Hậu”, tiếp đó dùng “Hắc”. Việc làm của Câu Tiễn đáng để chúng ta kham khảo."

 

 

Như vậy, đủ thấy tầm quan trọng sống-chết của Hậu-Hắc: mặt có đủ dày để làm những điều dù bị người khác chê cười, khinh bỉ hay không, tâm có đủ đen để biết quyết đoán hay không, đó là những bài học lịch sử vậy.

 

 

Lúc đầu khi quyển sách này được đăng, những ý kiến phê bình nổi lên như sóng. Có người đã chỉ trích Lý Tôn Ngô "hạ nhục" toàn thể nhân vật "tượng đài" của mấy ngàn năm lịch sử Trung Hoa, đại loại như: “Cuốn sách này là của Tôn Ngô không quy tụ hết cả một bầy đại gian đại trá từ thiên cổ đến nay, mà định tội trạng của từng tên, ta đọc thuộc sách này thì sẽ nhìn rõ những kẻ Hậu Hắc, đều như thế cả, ngõ hầu ứng phó với đời được, không đến nỗi ngu dại như đã xẩy ra bao đời nay”. Đây là một kiểu mỉa mai, châm biếm về nội dung sách.

 

 

Nhưng khi Lý Tôn Ngô trả lời lại những ý kiến này bằng cách nối tiếp ra phần tiếp theo của sách, thì có thể nói, quyển sách của ông sau đó bị cấm phát hành luôn. Bởi, rất đơn giản, ông đủ "mặt dày" để thờ ơ những chỉ trích, và "tâm đen" rất thâm và sâu khi đưa ra những nguyên tắc để thành công trong chốn quan trường, đúng cho cách đầy 2000 ngàn năm, mà cũng đúng cho 2000 năm sau, nghĩa là thế kỷ 20 của con người. Những nguyên tắc đó như là:

 

“Tôi công bố “Hậu Hắc Học”, có người nói tôi là điên rồ, xa rời kinh sách, phản lại Đạo không thể không nhốt vào trại những người điên”. Thế thì tôi đã trở thành kẻ tù tội ở đất Thục rồi, vì thế biệt danh là Thục Tù.

...

Tôi phát biểu về “Hậu Hắc Học”, nói chung những người đã đọc, nói rằng: “ Học vấn của ông về bộ môn này uyên thâm rộng lớn, chúng tôi đã đọc cuốn sách đó, tựa như đọc Trung Dung, Đại học nói chung, không rời khỏi tay được, xin hãy vì cái thân phận thấp hèn mọn của chúng sinh, hãy nói lên tất cả những cách thực hiện, truyền thụ tất cả những cách thực dụng nữa, chúng tôi mới có thể theo đó để làm cho tốt được”

 

Tôi trả lời: “Các vị muốn làm cái gì cơ?”.

Đáp rằng: “Tôi muốn làm quan, hơn nữa còn muốn làm sao rất oanh liệt, nói chung mọi người đều muốn làm đại chính trị gia cả”.

Vì thế tôi đã truyền cho họ, “Sáu chân ngôn cầu làm quan”“Sáu chữ chân ngôn để làm quan”và “Hai cách làm việc khéo”

 

Sáu chữ “Chân ngôn” cầu làm quan: “KHỐNG, CỐNG, XUNG, PHỦNG, KHỦNG, RỖNG”. Ý nghĩa của sáu chữ này rất nổi tiếng như sau:

 

1. Khống: Tức là rỗi rãi, chia làm hai loại:

Một là, nói về công việc, người cầu làm quan phải bỏ mọi công việc ra ngoài đã, không làm thợ, không buôn bán, không nghĩ đến việc cày bừa, cấy hái, cũng không học hành, người làm quan phải kiên nhẫn, không thể vội vàng, hôm nay không được thì ngày mai lại tới, năm này không được thì sang năm lại tới

 

2. Cống:

Chữ cống này mượn trong tục ngữ của Tứ Xuyên. Ý nghĩa của nó tương tự như xiên thủng “Xiên vào rồi lại xiên ra”, có thể nói là “Cống nạp vào lại rút lấy ra được”. Cầu làm quan thì phải xiên thủng, đó là điều ai nấy đều biết, những định nghĩa thật không dễ, ... Định nghĩa của tôi là: “Có lỗ thủng phải xiên, không có lỗ thủng cũng phải xiên. Có lỗ thủng rồi phải khoan rộng ra, không có lỗ thủng thì phải lấy cái dùi xiên một lỗ thủng mới”

 

3. Xung: Lời nói phổ thông là: “Huyênh hoang, khoác lác”, ngôn ngữ của tứ xuyên là: “Bỏ đi cái đội đầu”, vứt bỏ trong lời nói và trên cả chữ nghĩa.

Trong lời nói lại chia thành nói với dân thường và đứng trước mặt “cụ lớn”, trên chữ nghĩa cũng lại chia thành hai loại: báo, tạp chí và các thiếp trần.

 

4. Phủng: Tức là nịnh, có dáng điệu nịnh nọt, giống như Hoa Hâm khúm núm trước Ngụy công trên sân khấu là một điển hình

 

5. Khủng: Có nghĩa là làm cho sợ hãi, là một động từ cập vật.

Đạo lý của chữ này rất tinh vi, sâu sắc, tôi không dám nhiều lời. Chức quan là một vật cao quý nhường nào, làm sao có thể cho người khác một cách dễ dàng được?

Phàm là vị quyền cao chức trọng đều có chỗ yếu kém, chỉ cần tìm ra được điểm yếu của vị ấy, điểm nhẹ một huyệt, vị ấy sẽ hoảng hốt sợ hãi, lúc ấy lập tức đem chức quan ra tặng anh.

 

Người học cần phải biết “Khủng” và “Phủng” có tác dụng tượng hỗ. Người giỏi chữ “Phủng” thì trong nịnh có “Khủng”, người ngoài nghe những lời anh ta nói trước mặt “cụ lớn” thì câu nào cũng thấy đón đưa, vâng dạ, thực ra họ lại ngầm đánh vào điểm yếu. “Cụ Lớn” nghe rồi toát mồ hôi hột.

Người giỏi chữ “Phủng”, trong “Khủng” có nịnh, người ngoài coi anh ta là ngạo mạn, câu nói nào cũng trách cứ “cụ Lớn” thật ra người được nghe thì hài lòng, hân hoan và gân cốt lại “rã rời”.

 

Người cầu làm quan phải hiểu từng ly từng tý là điều rất cần thiết, khi dùng chữ “Khủng” phải hết sức thận trọng, suy xét kỹ, nếu dùng quá mức, những bậc bề trên sẽ từ chỗ bị sỉ nhục thành phẫn nộ, làm như thế không phải là phản lại cái tôn chỉ lớn của việc cầu làm quan hay sao? Đó là điều khó xiết bao, khi hoặc cần đến mới dùng, không thể dùng chữ “Khủng” một cách nông cạn.

 

6. Tống: Tức là biếu quà, có thể chia làm 2 loại lớn nhỏ:

Biếu lớn: đem những bọc tiền, ngân phiếu đưa đi; Biéu nhỏ: thực hiện tặng quà tết, chân giò thui và mời đến quán ăn. Chia người được biếu làm hai loại: một là người có chức vụ thao túng quyền lực, hai là người chưa nắm quyền lực, nhưng lại có thể là trợ thủ của ta.

 

Thực hiện được 6 chữ trên, chắc chắn mỗi chữ đều đem lại những hiệu quả kỳ diệu. Các vị tai to mặt lớn khi ngồi một mình thường nghĩ và tự nói:

“Anh X muốn làm quan, đã nói nhiều lần (đó là tác dụng hiệu quả của chữ “Không”). Hắn và ta có quan hệ gì? (đó là tác dụng của chữ “Cống”). Anh X có nhiều tài trí (đó là tác dụng hiệu quả của chữ “Xung”), hắn đối với ta rất tốt (đó là hiệu quả của chữ “Phủng”), nhưng người này có lắm mưu mẹo, nếu không bố trí, sẽ xẩy ra rắc rối (đó là hiệu quả của chữ “Khủng”), nghĩ đến đây, quay đầu lại nhìn những đống đen sì hoặc sáng long lanh đầy ắp trên bàn (đó là tác dụng hiệu quả của chữ “Tống”), không có gì phải nói thêm nữa, treo bài ngà lên, khuyết điểm nào đó là do anh X đưa lại. Cầu làm quan đến đây coi là mọi việc đã làm viên mãn. Vì thế cứ việc lên ngựa nhận chức, rồi thực hành chân ngôn 6 chữ của người làm quan

 

 

Chân ngôn sáu chữ của người làm quan: “KHÔNG, CUNG, BĂNG, HUNG, LUNG, LỘNG”. Ý nghĩa của sáu chữ này như sau:

 

 1.Không: Có nghĩa là rỗng tuyếch.

Một là trên văn tự: phàm những văn bản trình báo cấp trên, ra thông báo, đều chỉ là những lời lẽ chung chung, trống rỗng, trong đó kỹ năng viết rất khéo; tôi khó có thể nói kỹ, nếu tới các cơ quan quân chính, đọc hết các chữ văn bản dán trên tường sẽ hiểu hết thôi.

Hai là, khi làm việc đều linh hoạt sống động, nghiêng sang tây cũng được, ngả sang đông cũng xong, có khi làm như sấm vang bão táp, thật ra bên trong lại lén lút tìm đường tháo lui, nếu thấy tình thế không lợi thì có thể quay người đi theo con đường khác, quyết không thể trói buộc bản thân mình.

 

2. Cung: Có nghĩa là cung kính, khép nép, so vai, rụt cổ chia làm 2 loại trực tiếp và gián tiếp.

Trực tiếp là nói với cấp trên, gián tiếp là nói với bạn bè thân thích, lính của cấp trên và các ông nọ bà kia.

 

3. Băng: Tục ngữ gọi là bệ vệ, một chữ trái nghĩa với chữ “Cung”.

Nếu nói với cấp trên và dân chúng thì chia làm hai cấp: Một là, biểu hiện bề ngoài tỏ ra là một nhân vật oai nghiêm, không ai xúc phạm được; hai là, trong trò chuyện tỏ ra đầy kinh sách, thông hiểu đại tài.

 

Nói về chữ “Cung” đối với bát cơm trên mặt đất thì khi quyền của bát cơm không thuộc về cấp trên và thuộc cấp dưới hoặc dân chúng, lại đổi “Băng” thành “Cung”. Đạo lý của ta phải tỏ ra linh hoạt, vận dụng khéo léo và chỉ nằm trong suy nghĩ mình biết mà thôi.

 

4. Hung: Chỉ có thể đạt được mục đích của ta khi bắt người khác quy phục, dù phải bán vợ đợ con cũng không được oán ghét nhưng phải chú ý một lớp vỏ nhân nghĩa đạo đức, phải phủ trên chữ “Hung”

 

5. Lung: Tức là tai điếc: “Ai chê cười chửi mắng cũng mặc, làm quan ta cứ làm” nhưng trong người điếc còn hàm nghĩa người mù nữa, nếu trên văn bản, đơn từ có tỏ ra bực tức thì nhắm mắt không cần xem.

 

6. Lộng: Tức là làm Tiền.

Rồng bay đến đây kết huyệt, mười một chữ đặt ra ở trên đều phải nhằm vào chữ này. Phải hết sức chú ý chữ “Lộng” này là trong công việc làm sao phải chạy việc mới thành công, có khi không được việc dù phải móc túi ra cũng không sao; nếu được việc móc bao nhiêu cũng không cần khách khí làm gì.

 

Tôi chẳng qua mới hiểu thô thiển mười hai chữ trên đây, còn nhiều nghĩa tinh vi của nó chưa thể phát huy được. Những bậc làm quan có chí, có thể theo đó tìm ra bí quyết, xin tự nghiên cứu lấy.

 

 

HAI CÁCH LÀM VIỆC KHÉO

 

1. Cưa mũi tên:

Có một người bị tên bắn trúng mời thầy thuốc ngoại khoa đến chữa. Thầy thuốc cưa cán mũi tên, rồi đòi lễ tạ. Hỏi ông ấy tại sao ông ấy không rút đầu mũi tên ra. Thầy thuốc nói: đó là việc của khoa nội. Ông hãy tìm thầy thuốc khoa nội thì hơn.

 

Đây chỉ là một mẫu chuyện xưa truyền tụng lại.

Sự làm việc của các cơ quan và các ông lớn đều dùng cách làm việc như thế cả:

 

Ví dụ phê một đơn từ: “Căn cứ đơn từ được đề trình lên, không thuộc cấp tôi giải quyết, sẽ gửi về quan huyện điều tra xem xét, xử lý nghiêm minh”. “Không thuộc cấp tôi”, mấy chữ này là cách cưa đứt cán mũi tên “việc của quan huyện” là thuộc về khoa nội.

 

Lại có người cầu cạnh tôi làm một việc, tôi nói: “Tôi rất tán thành việc này, thế nhưng, còn phải thương lượng với một người nữa”. Ba chữ “Rất tán thành” là “ cắt cán mũi tên”, “Một người nữa” là khoa nội; hoặc lại nói: “Tôi sẽ làm trước một phần việc, “sau đó” là thuộc “khoa nội”.

 

Có người chỉ cắt mũi tên, chứ không phải bảo người ta tìm khoa nội, cũng có khi không thèm cắt mũi tên, đã bảo người ta đi khoa nội, thật là đủ mọi cách xoay. Cứ suy xét kỹ khắc hiểu được

 

2. Cách hàn nồi:

Nồi nấu cơm bị dò, mời thợ hàn nồi đến hàn nồi, người thợ hàn dùng một mảnh sắt cạo nhọ dưới đích nồi, một mặt nói với chủ nhà: “Xin ông nhóm lửa để tôi đốt bụi than nhọ nồi”; khi chủ nhà quay người đi nhóm lửa, anh ta lấy búa gõ nhẹ mấy cái vào đít nồi, vết nứt ấy đã rộng ra nhiều, và khi chủ nhà quay lại, anh ta chỉ cho chủ nhà xem, và nói: “Vết nứt trong đáy nồi này của ông rất dài, mỡ bên trên phủ kín, không nhìn thấy được, tôi cạo nhọ than thì đã hiện rõ lên rồi, nếu không chèn mấy cái đinh vào thì không được”.

Chủ nhà cúi đầu xuống xem: “Giỏi, Giỏi! hôm nay không gặp được anh, thì e rằng cái nồi này không dùng được nữa”. Sau khi hàn xong, chủ nhà và thợ hàn nồi đều rất vui mừng và anh thợ hàn ra đi.

 

Đó chính là các quan lớn thay đổi cách làm, dùng theo cách hàn nồi mà thôi. Trong chốn quan trường nhà Thanh trước kia đại để đều dùng cách cưa cán tên và hàn nồi hỗ trợ nhau.

 

Hai cách làm khéo nói trên đây là những ví dụ chung của cách làm việc, vô luận là xưa hay nay, trong hay ngoài nước, nếu hợp với những ví dụ chung ấy thì đều thành công. Làm ngược với ví dụ chung ấy sẽ thất bại.

 

Tôi đã nói hết “Hậu Hắc Học” rồi, đặc biệt muốn nói với các độc giả một bí quyết, phàm khi sử dụng Hậu Hắc, thì nhất định phải thoa lên mặt một lớp nhân nghĩa đạo đức, chớ không để nó biểu hiện ra một cách lộ liễu.

 

Trong bài “Khó nói” của Hàn Phi Tử có nói: “Hãy dấu kín lời anh nói, và chỉ lộ cái gì biểu lộ trên người anh”. Phàm là học trò của tôi nhất định phải hiểu được cung cách đó.

Giả dụ có người hỏi anh: “Có thừa nhận Lý Tôn Ngô không?”. Bạn hãy dùng sắc mặt rất nghiêm trang và nói rằng: “Người đó cực kỳ xấu, hắn nói về “Hậu Hắc Học”, tôi không thừa nhận hắn được”. Mồm tuy nói như thế, còn trong lòng lại rất cung kính, cung kính coi như: “Lý Tôn Ngô là một vị đại thánh, là tổ sư của thánh”. Nếu có thể làm được như vậy, thì bảo đảm bạn sẽ làm nên rất nhiều sự nghiệp kinh thiên động địa, được người đời ngưỡng mộ. Sau khi chết còn được đưa vào miếu của Khổng Tử ăn thịt lợn nguội nữa. Cho nên mỗi khi tôi nghe người ta chửi tôi, tôi rất vui mừng, nói rằng: “Đạo của ta được thực hiện nhiều đấy”

 

Tôi nói: “Phải bôi một lớp nhân nghĩa đạo đức bên ngoài Hậu Hắc”. Đó là chỉ nói khi gặp các Thầy giảng dạy về đạo đức. Giả dụ khi gặp những bạn bè mà nói đạo đức, bạn cũng cùng hắn nói nhân nghĩa đạo đức, thế chẳng thú vị hay sao? Lúc ấy phải bôi lên bốn chữ “Thần thánh kính yêu”. Chẳng lẽ hắn không gọi bạn là “đồng chí” hay sao? Tóm lại, ngoài mặt phải bôi thêm một lớp gì, để người học tâm thần tỉnh táo, tùy thời ứng xử, nhưng không bỏ rơi tôn chỉ mục đích mà phụng sự hai chữ Hậu Hắc, có chí thì nên."

 

 

Đó chính là văn phong thâm sâu và đầy vui vẻ của Lý Tôn Ngô, và cũng dễ hiểu vì sao những người có quyền lập tức đình chỉ quyển sách phát hành hơn nữa. Nhưng, ai nấy đều tìm đọc và tâm đắc, những tờ báo không thuộc phạm vi quyền hành cũng đều đăng lại, và hàng ngàn độc giả viết thư xin làm quen và thỉnh giáo đàm đạo cùng Lý Tôn Ngô.

 

 

Tuy vậy, ông cũng nói rằng: "Chống lại các nước mạnh phải có lực lượng, những người trong nước đều nghiên cứu sâu sắc “Hậu Hắc Học”, mới có thể coi là có năng lực. Ví dụ, bắn tên thì tên phải bắn ra thật trúng. Xưa kia người ta ra khỏi cửa thì bà con và anh em bắn lẫn nhau, anh bắn tôi và tôi bắn anh. Còn ngày nay lấy các nước mạnh làm mục tiêu để bắn mũi tên nào cũng hướng vào bia ấy mà bắn, sở dĩ tôi gọi “Hậu Hắc cứu quốc” là như thế đấy"

 

"Dùng Hậu Hắc để mưu đồ tư lợi riêng cho mình, thì càng Hậu Hắc càng thất bại; dùng Hậu Hắc để mưu lợi ích chung của chúng dân, thì càng Hậu Hắc càng thành công"

 

"Có người hỏi: “Thế gian có rất nhiều người dùng Hậu Hắc để mưu đồ tư lợi, vẫn thành công được, là đạo lý gì vậy?”. Tôi nói: “Cái đó gọi là “Thời thế không có anh hùng, khiến những kẻ tiểu tốt đã thành danh”. Những người đối địch với người ấy không ngoài hai loại: Một loại là người vốn mưu lợi ích chung mà không hiểu kỹ thuật Hậu Hắc; Một loại là người mưu lợi mà kỹ thuật Hậu Hắc tương đương với người ấy, thì chắc chắn người ấy thất bại."

 

 

Rõ ràng quyển "Hậu Hắc Học" là một quyển sách cực thú vị và được đầu tư tâm huyết nghiên cứu công phu:

"“Không mỏng gọi là dày, không trắng gọi là đen. Người mặt dày trong thiên hạ là kẻ tàn nhẫn”. Bài viết này là tâm pháp (phương pháp tâm lý học) của người xưa truyền thụ cho Tôn Ngô, e rằng để lâu sẽ sai lạc đi, nên viết thành kinh sách để người đời sau tiếp thụ. Sách này mở đầu nói đến hai chữ “Hậu Hắc”, nó tản mát trong hàng ngàn hàng vạn sự việc, cuối cùng hợp lại thành Hậu Hắc. Nếu đặt riêng thành nguyên tắc thì có nhiều, nếu vo tròn lại thì ẩn giấu ngay ở bộ mặt và tâm can, nó vô cùng kỳ thú, đều là học thuyết thực dụng cả. Ai thích đọc choi cho vui cũng được, có nhiều người áp dụng suốt đời cũng không hết."

 

 

Nội dung sách hoàn toàn nói ra sự thật trần trụi đằng sau những gương mặt của các nhân vật lịch sử và những người quanh ta, bỏ đi hoàn toàn những mỹ danh hay từ ngữ lịch sự thường dùng: "bền bỉ, quyết tâm, vững vàng, tin tưởng," etc. Thay vào đó, tác giả dùng từ "tâm đen" để chỉ toàn bộ thế giới bên trong của một người, và từ "mặt dày" để chỉ về cách thể hiện, bản lĩnh trước thế giới bên ngoài của người đó.

 

Thoạt đọc thì nghe có vẻ tiêu cực và xấu xa, nhưng đọc vào mới thấy thấm thía sự thật về bản chất của con người, vì ngay cả những người tài năng nhất, tốt bụng nhất, trung nghĩa nhất, thì để hoàn thành mục tiêu lớn của mình cũng phải cần đến bao toan tính chiến lược, sự lạnh lùng cần thiết, và sự quyết đoán can đảm, cũng như bộ mặt có thể che giấu được những gì quan trọng trước những người không quan trọng, nhất là không được để cảm xúc tiêu cực dẫn dắt làm hư đại cuộc, như ví dụ:

 

"Phạm Tăng thì tâm địa đen tối cũng từa tựa như Lưu Bang, tìm trăm phương ngàn kế, chỉ mong dồn Lưu Bang vào chỗ chết, chỉ có bộ mặt là không trơ trẽn nhưng lại nóng tính. Hán vương dùng kế của Trần Bình , bị ly gián với vua Sở, Phạm Tăng đùng đùng nổi giận tìm cách bỏ đi, về đến Bành Thành, bị ung nhọt sau lưng rồi chết.

 

Phàm những người làm việc lớn lại có cái tình khùng nóng nẩy như vậy? “Phạm Tăng mà không ra đi, Hạng Vũ mà không chết”, nếu họ có thể nhẫn nại một chút, những sơ hở của Lưu Bang vốn có rất nhiều và có thể tiến công dễ dàng. Phạm Tăng phẫn chí bỏ cuộc, vứt đi tất cả sinh mệnh của mình; cả giang sơn của Hạng Vũ, vì không nhẫn nại được việc nhỏ, đã làm hỏng việc lớn. Tô Đông Pha còn coi ông là nhân vật anh kiệt, liệu có phải là một vinh dự quá đáng lắm không?!"

 

 

Nên:

"Nói Hậu Hắc là mệnh trời, nói Hậu Hắc một cách đại thể là Đạo, nói Hậu Hắc được một cách chỉn chu, Hậu Hắc là giáo, Hậu Hắc là như vậy, không xa rời nó được, nếu xa rời thì không còn là Hậu Hắc nữa. Cho nên quân tử giữ gìn cản thận sao không “Hắc”, nguy nhất là mỏng, là trắng, là quân tử phải có Hậu Hắc. Gọi là “Hậu”, tức là không để lộ những nỗi vui mừng, giận, buồn. Nếu để lộ ra mà không e ngại thì gọi là Hắc. Trong thiên hạ có vô khối loại Hậu như vậy, trong thiên hạ cũng rất nhiều người đạt như vậy, trong thiên hạ cũng rát nhiều người đạt được Hắc như vậy. Đạt được Hậu Hắc thì thiên hạ sợ, quỷ thần cũng kiêng nể."

 

 

Ngay trong cuộc sống thường ngày, lý thuyết này cũng nên được chú ý và áp dụng:

"Đạo Hậu Hắc vừa ác vừa thiện, tựa như sức leo núi gian khổ, chưa thử qua thì không thể tới được. Ví dụ, đi xa tự tất thấy xa, leo cao tự thấy rằng bản thân không Hậu Hắc không làm gì được cho vợ con ta, không biết dùng Hậu Hắc thì sẽ không thể làm được gì cho vợ con cả."

 

 

Quyển sách nhỏ này, có thể nói, nếu không đọc cũng không sao, nhưng đã đọc rồi thì như kết luận có ghi:

"Có một loại người thiên tư vô cùng cao đẹp, họ tự biết rõ cái đạo lý này, đều mang hết sức lực ra làm, rất bí mật không để ai biết. Nên Tôn Ngô nói: hành động mà không đọc sách, tập luyện mà không chịu khó, suốt đời sẽ không biết những kẻ Hậu Hắc nhan nhản đầy ra đấy." 

 

 

Phải rồi, nếu tự nhủ mình đã biết nhiều loại người, thì thêm một quyển Hậu Hắc Học, sẽ là cơ hội nhìn ra Hậu Hắc quanh mình, và còn trau dồi cho chính bản thân mình nữa. Xấu hay tốt, rút cuộc chỉ là gán ghép hay tự suy diễn, nếu mục đích là tốt, sao lại không đủ tự tin để "mặt dày-tâm đen" đi đến cuối con đường?



21/09/2011
0 Poster un commentaire

A découvrir aussi


Inscrivez-vous au blog

Soyez prévenu par email des prochaines mises à jour

Rejoignez les 6 autres membres