pour: TOI

Nhàn nhã đọc sách Binh pháp

Sau một hồi ngồi lựa cuốn sách mỏng nhất để đọc thư giãn, thì quyết định lấy cuốn Binh pháp Tôn Tử ra đọc lại.

Cũng có vẻ giống ở VN, các nhà sách chuyên về khoa học xã hội ở Paris cũng rất nhiều sách về « các loại » Trung Quốc, từ vẽ tranh truyền thống, lịch sử, Kinh Dịch, các hình thức bói, văn chương đến quân sự, kinh tế, xã hội học, và càng giống VN hơn ở chỗ, từ 1 « loại », người ta đưa ra hàng loạt « nhánh », ví dụ, từ Kinh Dịch truyền thống cho ra Yi King của tính cách, của cuộc đời, của công việc, của tình yêu, etc., và từ Binh pháp Tôn Tử liên hệ tới kinh tế, đối xử, kế hoạch và cả thiền.

Tốt nhất là đọc bản chính, rồi tự mình đưa ra «liên hệ bản thân », cái nào « suy diễn » được, « ứng » được thì tự coi là « tài sản kinh nghiệm » của mình.

***


Vì sao Tôn Tử nổi tiếng ? Vắn tắt cho dễ nhớ, ông này là chuyên gia dùng rất ít đánh rất nhiều, như dùng 3 vạn quân mà đánh 25 vạn, chỉ bằng 1 phần 8 binh lực mà thắng thì chắc chắn phải dùng mưu rất nhiều rồi. Từ những mưu đó mà viết ra cuốn Binh pháp Tôn Tử, chính xác cuốn gốc, theo giới nghiên cứu thì không có 36 kế, nhưng vì chưa thể biết được của ai nên góp chung vô tác phẩm này của Tôn Tử.

***

Đọc sách mà không tạo hoàn cảnh liên hệ đến thực tế thì sẽ không nhớ được, nhất là loại sách « thư giãn » kiểu này. Thành ra, sau khi đọc xong, sau khi liên hệ lung tung thì phát hiện ra những điều rất lý thú, và cũng hiểu được hơn tại sao có nhiều sách nghiên cứu liên quan vấn đề này như vậy, bởi vì không hẳn chỉ là chữ đen mực trắng mà Tôn Tử đã viết ra rõ ràng mà còn là những điều khác thuộc về tinh thần và kinh nghiệm của ông ẩn chứa sau mỗi « bí kíp ».


Hiểu cho đơn giản, không chỉ nhận được chữ, người đọc còn nhận được cái quan trọng hơn, đó là sự ảnh hưởng tinh thần, suy nghĩ và chiến lược. Một tác phẩm « đánh » được vào phần sâu hơn của suy nghĩ, đó là một quyển sách thành công.

***


Tôn Tử nói : « Chiến tranh là đại cuộc quan hệ tới việc sống chết của người dân, sự mất còn của nhà nước, không thể không khảo sát nghiên cứu cho thật kỹ ».

Tướng chỉ biết đánh mà không biết tính, thật ra chỉ là một người lính giỏi ; tướng chỉ biết quân mình mà không biết quân địch, không biết nhìn trời, ngắm đất, quan sát địa hình, thật ra chỉ là một viên giữ quân.

Một người tướng giỏi phải biết : Đạo – Thiên - Địa - Tướng – Pháp.

- Đạo là chính nghĩa để giữ lòng người và tranh thủ thêm sự giúp đỡ,

- Thiên là biết nhìn thời tiết theo nghĩa đen, biết nhìn ra thiên thời theo nghĩa bóng, là biết địch đang lúc mạnh hay yếu, đắc lợi hay bất lợi mà đề ra đối sách « thủ để chờ » hay « đánh để diệt »,

- Địa là biết nhìn địa hình theo nghĩa đen, biết tạo ra địa thế theo nghĩa bóng hay thoát khỏi chỗ sa lầy, hiểm cụt,

- Tướng là cách làm tướng đối với quân mình liên quan đến uy tín và nhân tâm,

- và Pháp là kỷ luật để đào tạo binh lính cho tinh nhuệ, một quân tinh bằng mười quân binh, liên quan đến thưởng phạt, bài tập và kỷ cương.

***


Tự suy ra hoàn cảnh thực tế, ai cũng là một người tướng đối với chính bản thân mình. Mỗi người có cả một đạo quân, từ lý trí đến trái tim, từ suy nghĩ đến cảm xúc, từ kế hoạch đến hành động, tay và chân, mắt và miệng, bề ngoài và nội tâm. Quan trọng là mình kiểm soát được đến đâu, có hiểu hết và tận dụng được sức mạnh mình đang có không.


Đạo là phần chính nghĩa của mình, mình đúng thì mình làm. Thiên là biết nhìn hoàn cảnh lợi hại cho mình thế nào và nắm được lúc thiên thời để hành động, Địa là xem xét vị trí tự nhiên của mình và có thể khai thác ra « thế đắc địa». Tướng là vừa là tướng đề ra hành động, vừa là lính phải răm rắp nghe theo. Pháp là kỷ luật để không được nản lòng.

***


Tôn Tử còn đưa ra phương pháp « Bốn làm chủ » : « Làm chủ chí khí, làm chủ nhân tâm, làm chủ nhân lực, làm chủ sự biến đổi ».

Ai có thể làm với chính chí khí của mình, với nhân tâm của mình, với nhân lực của mình và với sự bình tĩnh của mình trước thay đổi của thế sự, người đó có thể làm tương tự với người khác, nhờ đó thành một nhân vật gây được rất nhiều ảnh hưởng.

Điều này « ứng » với cả phe « chính diện » và « phản diện », bên phe « phản diện » không phải không có người giỏi, rất giỏi là đằng khác, chỉ có điều, phần « nhân tâm », họ quan niệm khác mình.

***


Suy cho cùng, làm tướng là trước tiên phải chỉ huy được bản thân mình. Nhưng như vậy không có nghĩa là mình muốn gì là phải được đáp ứng liền cái đó, phải coi phần Đạo có đúng không.

Không ai luôn luôn ở trong hoàn cảnh tốt đẹp và thuận lợi, phải biết còn có Thiên, lúc Thiên thời và lúc Thất thời, lúc mình mạnh và lúc người yếu, ngược lại, sẽ có 1 lúc, người mạnh và mình yếu.

Cũng không ai mãi mãi bị bế tắc, cùng đường, phải nhớ đến Địa, nhìn ra thế của mình trong đại cuộc, phát hiện ra « trọng địa », thoát khỏi thế ly tán, tìm cách tập trung « quân lực sức mạnh » của mình, tốt hơn cả là ngay từ đầu có thể nhìn thấy được « hiểm địa » để tránh.

Ai mà được cả Thiên thời, Địa lợi, chính Đạo thì tất thắng, nhưng cũng chỉ là thắng một trận, còn rất nhiều trận chiến trước mặt với quy mô chưa thể đoán trước, phải giữ Tướng và Pháp theo phương pháp « Bốn làm chủ ».

***


Cuộc đời là chuỗi trận chiến.

Không chiến đấu với người thì cũng chiến đấu với hoàn cảnh và với chính bản thân mình. Ai nói trận chiến này kém khốc liệt hơn với trận đánh ngoài mặt trận. Ai dám nói trận chiến này không liên hệ đến sinh tử của chính bản thân.

Thất bại tưởng đâu xa xôi, có khi ở ngay trong mình.

Cái chết tưởng đâu xa xôi, có lúc sầm sập chạy đến chung quanh.

Đọc cuốn sách về binh pháp, chợt có lúc thấy lòng yên tĩnh, có phải Tôn Tử những khi nhìn một trận đánh và lúc viết cuốn sách này, lòng ông cũng phải yên tĩnh lắm không, nên ông có câu là « Đối xử với rối loạn bằng sự làm chủ, đối xử với ồn ào bằng sự yên tĩnh, đó là làm chủ nhân tâm » ?

***


Cuộc đời là chuỗi trận chiến.

Ai nói mình sẽ đi đến cuối con đường mà không thương tích gì, hay nhất là như Tôn Tử, sau cuộc đời chứng kiến hàng trăm vạn trận đánh và sự ra đi không quay lại của binh sĩ, cuối cùng còn có một chỗ ngồi ẩn dật ở núi La Phù, viết về những ngày đã qua.

***

Cát bụi đã bay mất, chỉ còn những trang sách ở lại. Và không chỉ là những câu chữ mực đen giấy trắng, nó còn là những tâm tư khác nằm lại rất lâu và rất sâu trong mỗi người đọc.



10/09/2009
1 Poster un commentaire

A découvrir aussi


Inscrivez-vous au blog

Soyez prévenu par email des prochaines mises à jour

Rejoignez les 6 autres membres