pour: TOI

"Suối nguồn" (Ayn Rand): Không ai bị bắt buộc đứng ở cuối con đường và vô cảm

"Mỗi người tự tạo ý nghĩa, phong cách và mục đích cuộc sống của anh ta. Tại sao lại quan trọng hoá những cái mà người khác đã làm? Tại sao một thứ lại trở nên thiêng liêng chỉ bởi vì nó không phải do ta nghĩ ra? Tại sao bất kỳ người nào và tất cả mọi người đều đúng - miễn nó không phải là ý tưởng của bản thân ta? Tại sao số lượng người lại có thể thay thế cho nội dung của chân lý?" (Howard Hoawk)

 

 

Đọc xong quyển "Suối nguồn" của Ayn Rand, dường như nợ tác giả một lời cảm ơn to lớn và sẽ còn day dứt mãi nếu vẫn chưa làm được, tôi thận trọng lấy quyển sách ra, nhìn ngắm những trang giấy, và biết rằng, dù có viết bao nhiêu chữ đi chăng nữa, cũng sẽ chẳng thể chuyển tải được hết tinh thần và cuộc sống trong truyện.

 

Tinh thần trong truyện là một sự hỗn độn "thật-giả khó lường, vàng-thau lẫn lộn", giống hệt những tinh thần hỗn mang trong đời thật. Cuộc sống trong truyện lại càng thật hơn thế nữa, thật giống như là khi chúng ta tỉnh táo lại, nhìn quanh cuộc sống mình bây giờ thì sẽ thấy những diễn biến, những sự kiện và những bản chất cũng là như thế mà thôi.

 

Tinh thần trong truyện là tinh thần của mỗi nhân vật trong truyện gộp lại mà tạo thành, nên không thể lấy tinh thần của riêng ai để gán chung với toàn bộ câu chuyện.

Mỗi người một hoàn cảnh sống thực tế, và nhiều hoàn cảnh sống tinh thần khác nhau để tạo ra những tính cách ngầm, hoặc tính cách không-tính-cách; và mỗi người đọc đều có thể là một phần hoặc hoàn toàn cuả nhân vật nào đó trong truyện:

Ví dụ như Peter Keating gồm nhiều mảng khác nhau:

- một sinh viên ưu tú ngành kiến trúc, nhưng thật ra chuyên nhờ người khác làm bài giúp

- một kiến trúc sư nổi tiếng, nhưng không hề đam mê gì công việc của mình

- một người thích vẽ, nhưng phải làm theo ý mẹ đi học ngành kiến trúc để nổi tiếng hơn

- một người luôn quan trọng sự nổi tiếng và giỏi giang của mình nhất, trong khi ý thức rất rõ ràng là mình không đủ khả năng

- một người yêu cô gái đơn giản, nhưng muốn cưới một cô gái giàu có hơn và tính cách phức tạp, không tình yêu

- một người luôn tỏ ra vô cùng dễ thương, hoà đồng, sáng sủa, giao tiếp tốt, có thể làm bạn với bất kỳ ai, có thể đọc được chuyển biến trên gương mặt người khác để thay đổi câu chuyện cho phù hợp, nhưng sau mỗi sự giúp đỡ là một lời sỉ nhục và trả thù dành cho người đó.

 

 

Ví dụ như Ellsworth Toohey là một mạng lưới ngầm chằng chịt và nguy hiểm:

- một nhà đấu tranh cho tầng lớp nghèo

- một nhà hùng biện truyền cảm

- một nhà báo chuyên viết đề tài dành cho ý muốn của công chúng

- một nhà bảo trợ cho các hoạt động từ thiện xã hội

- một người giúp đỡ các tài năng trẻ trong mọi lĩnh vực: kinh tế, kiến trúc, văn chương,...

- một nhân viên nghe lời

- một người dùng sức mạnh và sức ảnh hưởng báo chí của mình để nâng lên hay hạ xuống bất kỳ ai

- một người luôn khuyên người khác từ bỏ ước mơ và sở trường của mình để theo nghề khác

- một nhà tư vấn nhiệt tình để các "khách hàng" quan trọng và giàu có phải nghiện lời khuyên và sự có mặt của mình

- một người làm những người khác lệ thuộc vào quyền lực của mình

- một người căm ghét những người sống thật, cảm xúc, 

- một người mê quyền lực nhất trên đời

 

 

Ví dụ như Gail Wynand, trùm tài phiệt của hệ thống báo chí và truyền thông Mỹ:

- một người lạnh lùng, kỷ luật

- một người sẵn sàng bỏ cả núi tiền để mua các tài năng và bắt họ phải thay đổi theo ý mình

- một người mua những chiếc nhẫn kim cương cho các bạn gái để tuyên bố chia tay không lý do

- một người sống theo đam mê, và bản năng của mình

- một người yêu cái đẹp và sự sáng tạo thật sự

- một người biết cách thưởng thức cuộc sống, biết tha thứ, biết cảm nhận

- một người còn biết xấu hổ

- một người cô đơn

 

 

Và không thể không nói đến nhân vật Howard Hoawk:

- một sinh viên bị đuổi học vì những bản vẽ không theo ý của các thầy

- một người sẵn sàng xin việc ở một văn phòng kiến trúc sư bị hắt hủi nhất trong thành phố và cả nước, chỉ vì yêu mến tài năng của người kiến trúc sư chính.

- một người ngắn gọn trong mọi lời nói

- một người quyết tâm trong mọi dự định

- một người cực đoan trong bảo vệ tác phẩm của mình

- một người muốn nâng cao giá trị con người trong mọi tác phẩm

- một người không muốn sự giống nhau vô giá trị của hàng loạt sản phẩm kiến trúc

- một người yêu chung thuỷ tối đa

- một người khoẻ mạnh, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ai hay số đông nào

 

 

Đó chỉ là ví dụ vài nhân vật trong truyện, nhưng rõ ràng, ai trong chúng ta cũng có thể mang một phần tính cách hoặc gần như trọn vẹn nhân cách của các nhân vật đó, và thậm chí của số đông quần chúng. 

 

Sự vô trách nhiệm của hệ thống báo chí và truyền thông là thấy rõ nhất : ai làm những "nhà báo" hài lòng thì sẽ được nâng lên như một tài năng hiếm có; nếu không, chỉ như một "tội đồ" với công chúng. 

 

Những "tài năng hiếm có" có thể sản xuất ra hàng loạt câu truyện không đầu, không đuôi, không ai hiểu nổi, nhưng vẫn có vẻ có "giá trị" rất cao; và viết ra những vở kịch tục tĩu, nhăng cuội, nhưng vẫn được tung hê mang hơi thở thời đại mới. Tất cả đều "nhờ" vào báo chí, mà trong truyện tập trung chủ yếu vào Toohey.

 

 

Quyền lực và sự "được công nhận bởi số đông" bất kể số đông là ai, có thẩm mỹ thế nào, tốt xấu ra sao trở nên rất quan trọng. Bởi thế nên những buổi tiệc xa xỉ của giới kinh tế, giới chính trị, giới trí thức chỉ toàn những người kể về chính mình không ngừng, những người hoạt náo viên cởi mở và có vẻ nhiệt tình, những người có thể nói về tinh thần nghệ thuật sáng tạo nhưng không thể tạo ra cái gì khác ngoài việc chắp vá, copy hình mẫu của thật nhiều người khác vào bản vẽ của mình. 

Những người mà tổ chức tiệc cũng chỉ để để mình càng nổi tiếng khi kêu gọi những người nổi tiếng đến. Những sự "ăn theo" đó không phải là xấu, quan trọng là cách người ta có thật lòng hay không với điều mình làm.

 

 

Không thể tóm tắt cũng như bình luận cả quyển sách hơn 1000 trang, mà cảnh nào cũng hay và đầy ý nghĩa, thôi thì đành ghi ra vài câu thú vị từ sách, và rất đáng suy ngẫm vì dù có tách ra khỏi truyện, thì vẫn như là những câu này ghi cho chính thực tế đang tồn tại quanh ta đây:

 

"Cứ cho là có 60 mươi năm để sống. Hầu hết thời gian đó là dành cho làm việc. Em đã lựa chọn công việc mà em muốn làm. Nếu em không tìm thấy niềm vui trong công việc thì em chỉ đang tự kết án 60 năm hành xác cho chính mình. Và em chỉ có thể tìm thấy niềm vui nếu em làm việc của mình theo cách tốt nhất có thể đối với em... và em tự đặt ra các tiêu chuẩn cho riêng mình. Em chẳng kế thừa cái gì cả. Em không đứng ở điểm cuối của bất cứ truyền thống nào. Em có thể đứng ở điểm khởi đầu của một truyền thống." (Howard Hoawk)

 

 

"Có quá nhiều người ngốc nghếch và không nhận ra thế nào là tốt nhất. Chuyện đó chẳng sao. Như thế chẳng đáng tức giận. Nhưng anh có hiểu được chuyện có những người nhận ra thế-nào-là-tốt-nhất nhưng lại khong muốn đạt được điều đó?" (Mallory)

 

 

"Em phải học cách không sợ hãi thế giới này. Không để nó nắm giữ em như bây giờ nó đang nắm giữ em. Không để nó làm em tổn thương như nó đã làm em tổn thương... Anh phải để em tự học lấy điều đó. Anh không thể giúp em. Em phải tự tìm lấy cách của mình..." (Howard Hoawk)

 

 

"Người ta vẫn nói điều tồi tệ nhất mà ta có thể làm với một người là giết chết lòng tự trọng của anh ta. Nhưng điều đó không đúng. Lòng tự trọng là cái không thể bị giết chết. Điều tồi tệ nhất phải là giết chết khả năng giả vờ có lòng tự trọng." (Dominique)

 

 

"Tất cả những gì một người cần - anh ta phải làm ra chúng. Và ở đây, loài người đối mặt với lựa chọn cơ bản nhất của mình: anh ta chỉ có thể tồn tại được theo một trong 2 cách - bằng cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành một kẻ ăn bám sống nhờ bộ óc của những người khác. Người sáng tạo chọn cách thứ nhất. Kẻ ăn bám chọn cách thứ hai." (Howard Hoawk)

 

 

"Loài người có thể học lẫn nhau. Nhưng học luôn chỉ là sự trao đổi nguyên vật liệu. Không ai có thể cho ai khả năng tư duy. Và khả năng tư duy ấy lại là phương tiện duy nhất giúp chúng ta tồn tại."

 

 

"Loài người được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được cái gì đó mà là cho đi cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra (hoặc không có)... Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nỗ lực để thành công.

Loài người được dạy dỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp cho người khác bớt khổ đau.... Do vậy người ta sẽ mong muốn được nhìn thấy những người khác đau khổ - để người ta có thể trở thành người đức hạnh.

...

Điều này vĩnh viễn trói một người vào những người khác và khiến anh ta không còn lựa chọn nào khác ngoài sự đau khổ: sự đau khổ anh ta phải mang vác để thoả mãn người khác, và sự đau khổ mà anh ta gây ra cho người khác để thoả mãn bản thân anh ta."

 

 

"Năng lực mỗi người có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên: mức độ độc lập, chủ động và tình yêu công việc của một người là yếu tố quyết định tài năng của anh ta với tư cách là một người lao động... Anh ta là ai và anh ta tự tạo ra cái gì, chứ không phải anh ta đã làm được hoặc không làm được gì cho người khác."

 

 

Dĩ nhiên, trong cuộc sống luôn đầy những người chưa bao giờ yêu thích cái gì, hoặc yêu thích một điều của mình nhưng lại làm những điều mình không thích chỉ vì người khác ép buộc; cũng như luôn luôn có những người nói đến "làm từ thiện" như một phong trào chơi chữ để được công chúng khen ngợi, và có những người tham gia "công tác xã hội" vì quyền lực-quyền lợi cá nhân, hay có nhiều người lại hay thích trích dẫn "bởi vì mọi người đã nói, bởi vì Chúa đã nói, Phật đã nói, ..." nên chuyện tốt-xấu, đúng-sai đương nhiên là theo ý của người khác, trong khi chính họ cũng không hiểu hết, hoặc phiên dịch sai ý nghĩa của những trích dẫn đó.

 

 

Câu chuyện trong "Suối nguồn" có những cảnh hay chi tiết được đẩy mạnh hơn, có vẻ cường điệu hơn để nâng cao trào lên, đó là một đặc điểm của văn học. Đó là một điều may mắn, vì có thắt nút và mở nút; trong khi thực tế, chúng ta sẽ không có hoặc ít có cơ hội đó để nhận thấy diễn biến mọi việc như thế nào, để được chuyển hướng, để được hoàn chỉnh bản thân.

Cho nên, có những người sẽ sống đến cuối đời vẫn không biết mình là 1 dạng của Keating, hay Toohey. Nhưng những người như Howard cũng chính là hình mẫu thực tế của những người hiếm hoi thành công quanh ta về tài và tâm, ví như Steve Jobs: dám làm, dám bỏ, dám chịu trách nhiệm, dám tranh đấu cho những sản phẩm của mình, và kiên quyết xây dựng trụ sở mới theo ý mình, cho những sáng tạo, cho những  can đảm, và cho những khởi đầu mới.

 

"Suối nguồn" là một quyển sách đẹp về thẩm mỹ tinh thần: trong câu chữ, lời văn, lời thoại, cách xây dựng và miêu tả nhân vật cùng tâm lý ngầm. Đọc "Suối nguồn" là hoà vào sự xô đẩy, va chạm mạnh mẽ của cuộc sống quá thật trong đó: giả tạo một cách thật sự, thị phi một cách thật sự, độc ác một cách thật sự, những an toàn giả tạo khi dựa vào số đông,... Và cảm nhận của mỗi người sau khi đọc xong chắc chắn sẽ khác nhau, thậm chí rất khác nhau, vì đó là điều bình thường. Nhưng đây sẽ là quyển sách có ấn tượng không hề nhỏ với bất kỳ ai đã từng đọc qua!



12/10/2011
0 Poster un commentaire

A découvrir aussi


Inscrivez-vous au blog

Soyez prévenu par email des prochaines mises à jour

Rejoignez les 6 autres membres