Nửa khuất của mặt trăng
Đọc tin đầu ngày, NASA vừa quay được đoạn video đầu tiên về nửa tối của mặt trăng mà con người chưa bao giờ nhìn thấy. Qua phân tích chung thì bề mặt này đã hứng chịu rất nhiều va chạm với các thiên thạch và sao chổi (hơn là bề mặt kia).
Nhẩm tính thì đã 43 năm trôi qua từ năm 1969 khi con người hớn hở đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng. Năm 2012 là năm đầu tiên, vùng tối vĩnh viễn của mặt trăng được nhắc đến.
43 năm là nửa của một đời người. Trong bao nhiêu năm tháng đó, con người chỉ thấy ánh trăng tròn khuyết mỗi ngày, cùng say mê hay thất vọng cùng sự viên mãn của cảm xúc cá nhân mỗi lần ngẩng đầu nhìn trăng. Những nhà văn thơ thì vui cùng trăng tròn, hụt hẫng với trăng khuyết, điên cuồng mỗi đêm rằm, và chi chít đếm những vì sao lúc gần, lúc xa ánh trăng. Những nhà khoa học thì làm những bản nghiên cứu dài các phân tích đầy bí ẩn của mặt trăng lên mọi thứ của con người và trái đất. Những nhà chiêm tinh lại lim dim nhìn quả cầu, vẽ những đường di chuyển các hành tinh và tính sự lên xuống của mặt trăng so với đường chân trời để thấy tiền vận, hậu vận cả loài người.
Những người bình thường, thinh thoảng đánh cờ đêm thì ngước mặt lên nhìn thấy ánh trăng sáng, hay những cặp tình nhân ngồi khoác vai thủ thỉ với nhân chứng là vầng trăng, hoặc cả những người vô gia cư ngồi uống tù tì các loại bia rượu, chắc cũng từng nâng ly cạn chén với bạn nhậu trăng ở xa tít trong mây.
Nửa một đời người, trăng là vệ tinh của trái đất. Như thể trái đất bắt buộc là phải có mặt trăng đi theo đêm cũng như ngày, dù có được nhìn thấy hay không, nhưng sự yên tâm của loài người được củng cố là trái đất thì luôn có mặt trăng, và có lẽ vĩnh viễn sẽ luôn có mặt trăng nhẫn nại là vệ tinh của mình.
Lần đầu tiên thấy mặt khuất của trăng, các nhà khoa học rất ngạc nhiên thấy chi chít những "vết thẹo" do va chạm giữa bề mặt đó với những thiên thạch vũ trụ. Có thể tưởng tượng được không tình huống, có lẽ mặt trăng đã nhiều lần hứng chịu những va chạm mà lẽ ra trái đất phải bị. Và điều đó, có thể lắm chứ, nhưng không ai có thể bao giờ nhìn thấy.
Ánh trăng đã ở cạnh trái đất từ bao nhiêu ngàn năm rồi nhỉ, đã chia sẻ bao tâm tư trong từng ánh nhìn của nhân gian, vậy mà vĩnh viễn vẫn cất giấu một vùng khuất chưa từng có ánh sáng.
Hay do lòng người chẳng bao giờ nghĩ đến một nửa kia đầy những vết sẹo sâu thẳm của tri kỷ mình? Hay có nghĩ đến trong một hai phút giây rồi lại tự huyễn hoặc chính mình về một sự đơn giản, và rồi chỉ còn lại cảm giác bản thân là quan trọng nhất?
Chắc là cũng phải có ai đó đã từng tự hỏi về mặt tối của ánh trăng. Nhưng rồi giữa bao la những sự quy đồng, ánh trăng lại trở về với hiện thân là một ánh sáng không bao giờ có ánh tối, cũng như vệ tinh thì mãi mãi chỉ đơn giản là vệ tinh.
Như một ai đó theo một ai đó, yêu một ai đó, và ở cạnh một ai đó, thì những điều không thấy được dù là vết sẹo đau đớn đến cỡ nào, cũng coi như là chưa từng tồn tại.
Nếu một vệ tinh thật to như mặt trăng ở cạnh trái đất hơn nửa đời người (từ lúc chính thức thuộc về "chủ quyền" của con người từ năm 1969) để mới lần đầu tiên được để ý đến nửa bề mặt khuất tối, thì một nụ cười rạng rỡ như ánh trăng phải đợi bao lâu để được hiểu đó là một giọt nước mắt?
Ánh trăng hiền dịu như đèn lồng thanh tịnh giữa một đêm thu, mà có thể làm cất lên những tiếng rú huyền thoại của những trái tim người biến thành sói. Vệ tinh không đơn giản là một vệ tinh, nếu nhìn chỉ bằng mắt thường mà không phải tâm tư tri kỷ với nhau, sẽ chẳng bao giờ thấy được chiều thứ hai của ánh sáng.
Và nếu một ngày, trái đất không còn mặt trăng, những vết sẹo đó, ai sẽ cùng chia sẻ?