pour: TOI

Kim tự tháp của chính mình

Mơ ước của rất nhiều người là được một lần chạm tay vào và leo lên những kim tự tháp. Khi ta chạm tay vào, chắc chắn sẽ thấy được lớp bụi của sa mạc và của thời gian. Khi những bước chân leo lên những viên gạch khổng lồ, những viên đá sỏi rơi ra lăn tạch tạch xuống chân của kim tự tháp và hoà cùng lớp cát từ hàng trăm ngàn năm nay. 

 

 

Nếu ai cũng nói, một ngày ta sẽ trở về với cát bụi, như vậy thì đồng nghĩa với ý: "ta là cát bụi". Nhưng cũng có những người đã nói, cát bụi có thể xây được kim tự tháp để chống lại chính cát bụi. Vậy ta có thể xây được kim tự tháp ư? Một mình sao? Kim tự tháp nào? Có thể có câu trả lời không đụng đến vấn đề tiền không? :-)

 

 

Chắc chắn là có một kim tự tháp tiềm năng như vậy đang chờ mỗi người tự xây cho mình. Đó là kim tự tháp của Maslow.

 

 

Maslow là nhà tâm lý học nổi tiếng, những lý thuyết của ông rất cơ bản, dễ hiểu, khái quát hoá bằng các sơ đồ, và vẫn đang được sử dụng trong các khoá kinh tế, quản lý và tâm lý ở các trường đại học. Kim tự tháp của Maslow rất đơn giản, ai nhìn cũng hiểu được, gồm các nhu cầu của mỗi người đi từ thấp đến cao, từ ăn uống đến thành đạt.

 

 

Rất nhiều sách và giáo trình đã giải thích và thuyết giảng về sơ đồ này như một kim chỉ nam để tự hiểu bản thân, để hiểu được người khác, và để quản lý nhân sự.
Thế nhưng, nhìn theo một góc nhìn khác dành cho mỗi cá nhân, không có việc gì trong cuộc sống này tự nhiên mà có, cũng như không thể có kim tự tháp nếu như không muốn xây. Mỗi bậc của kim tự tháp là một nhu cầu, thoả mãn được một nhu cầu này thì lại có một nhu cầu khác tiếp theo. Nếu ai có thể thoả mãn được một nhu cầu, nghĩa là đã xây được một bước để lại tiến lên bước tiếp theo.

 

 

Khi muốn xây một kim tự tháp hoàn chỉnh như sơ đồ này, cũng không phải muốn là được, mà mỗi bước đều có một "giá" riêng của nó không tính được bằng tiền bạc, chỉ có thể nói là một cái giá" trao đổi ngang bằng giá trị".

 

 

 

 

- Nhu cầu cơ bản: liên quan đến ăn, uống, ngủ, giao tiếp bình thường, đi tắm, cười đùa, v.v. Rất là đơn giản và cơ bản. 

 

Nhưng, nếu dễ như vậy thì đã không tồn tại những người đi xin tiền, xin ăn ngoài đường? Nếu đơn giản như vậy, thì cũng đâu có những người giật tiền người khác trắng trợn hoặc tinh vi chỉ để được ăn và uống? 

 

Ngay cả giao tiếp bình thường, nghĩa là dùng ngôn ngữ bình thường để trao đổi giữa người với người, cũng đã không trở thành một hiện tượng đáng lo ngại của các nhà xã hội học hiện nay: khi càng ngày càng nhiều người thích sống "đôi" với các vật nuôi trong nhà, hoặc máy tính, robôt.
Như vậy, ngay từ cái cơ bản nhất đã đòi hỏi một nỗ lực nhất định nếu như ta không muốn "gia nhập" đội ngũ "mất tính người" chỉ vì miếng cơm, manh áo.

 

 

- Nhu cầu an toàn: về sức khoẻ, về chỗ ở, về ổn định công việc. Có thể nói, đây là nhu cầu đầu tư: chăm sóc sức khoẻ để có thể tươi tắn, xinh đẹp, mua nhà để ở lâu dài, đi làm để kiếm lương hàng tháng. 
Để có được bước này, cần sự suy nghĩ thấu đáo, và sự siêng năng, cần cù: siêng tập thể dục, siêng đi tìm việc, siêng tìm hiểu thông tin nhà, etc.
Cái "giá trao đổi" là chính bản thân phải bỏ ra công sức và tâm huyết.

- Nhu cầu về tình cảm. Ai cũng có nhu cầu được yêu thương, quan tâm, chia sẻ. Nhìn vào kim tự tháp, đây là bậc cao thứ 3. Tuy nhỏ nhưng rất dễ ngã xuống dưới. Để không bị ngã thì phải có người giữ lại.

Càng nhiều người giúp thì bước chân càng chắc. Để được quan tâm thì quan tâm người khác chính là sự trao đổi ngang giá trị. Càng nhiều người quan tâm đến mình thì vị trí càng được củng cố và vững chải. 

 

- Nhu cầu tôn trọng: thể hiện tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng. 

 

Tại sao Maslow để nhu cầu này lên trên cao như vậy? Có phải bởi vì ông hiểu, số người cần ăn uống, quan tâm không để ý đến sự tôn trọng người khác thì nhiều quá, trong khi những người biết tôn trọng lẫn nhau thì phải đạt đến một trình độ nào đó mới làm được?

 

Xây được đến bước này, đã là cao hơn hẳn bao nhiêu người vẫn còn đang loay hoay với sự ăn uống và đòi hỏi cho riêng mình không cần biết đến mọi người chung quanh. Thể hiện được sự tôn trọng dành cho cuộc sống nghĩa là nền tảng tinh thần, nhu cầu và bản lĩnh của người đó đã thật sự "sừng sững" trong những xô bồ của cuộc sống.

 

 

 

Từ hàng trăm, hàng ngàn năm đã trôi qua, những giấc mơ bao giờ cũng không thay đổi: dân thường mơ làm quan, quan quân mơ làm tướng, tướng lĩnh công thần mơ làm vua. Giấc mơ thành công và đổi đời, giấc mơ được giàu sang và nổi tiếng, những kế hoạch và nỗ lực để được đánh giá cao và thành công, v.v.  

Đó là nhu cầu cao nhất của loài người, là được định giá trị về tài năng và trí tuệ.

Đó cũng chính là đỉnh kim tự tháp của mỗi người: là ánh nhìn hướng lên trời, và giang rộng tay giữa gió.

 

 

Cát bụi có thể tạo thành kim tự tháp để chống lại sự huỷ hoại của cát bụi. Thì mỗi người thành công chính là trên đỉnh kim tự tháp của mình để chống lại chính thị phi quanh mình.

 

Cái giá "ngang giá trị" là vị trí duy nhất trên đỉnh chỉ dành cho một người. Điều đó có nghĩa là gì?

 

Có nghĩa là, như trong quyển sách "Bí mật của Phan Thiên Ân", như những lời của Warren Buffett, như của bao nhiêu người thành đạt khác đã nói, thành công nghĩa là phải chấp nhận chính bản thân mình, phải tin chỉ vào bản thân mình, phải biết đứng ở đỉnh để đối diện thị phi, và chỉ một mình mình.

 

Theo sơ đồ của Maslow, nhu cầu thành công được đặt cao nhất, nghĩa là để thoả mãn nhu cầu này, để có trọn vẹn một kim tự tháp trong đời mình, niềm tin vào bản thân và khả năng của mình chính là quan trọng nhất. Không ai có thể leo lên đỉnh để giúp mình leo lên, nếu không có can đảm và sức mạnh, nhất định không thể xây đỉnh được.

 

Sơ đồ Maslow cuối cùng cũng chỉ là lý thuyết về nhu cầu. Góc nhìn này về kim tự tháp dù là mới, thì thử nhìn quanh cũng thấy là nó đã được hiểu và áp dụng triệt để trong cách sống và suy nghĩ của tất cả những người thành công, thành đạt khắp thế giới. 

 

Những người vừa tự lo được cái ăn, cái mặc, nhu cầu giải trí của mình, vừa thể hiện được tình yêu thương với gia đình và bạn bè, lại vừa tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tôn trọng mọi người và được tôn trọng, công nhận tài năng cá nhân cùng sự thông minh, nhạy bén trong cuộc sống.

 

Họ là ai? Chính là những người biết cách xây cho mình nền tảng, biết tạo ra đỉnh cho riêng mình, và học cách đứng được ở đỉnh đó.

 

Ai cũng từng mơ ước chạm vào đá kim tự tháp. Nếu bạn thấy mình có đủ khả năng tạo ra một kim tự tháp cho riêng mình, một ngày nào đó, sẽ có người mong được chạm vào kim tự tháp tính cách và tài năng của bạn.



01/03/2011
0 Poster un commentaire

A découvrir aussi


Inscrivez-vous au blog

Soyez prévenu par email des prochaines mises à jour

Rejoignez les 6 autres membres