pour: TOI

Có những sự Phục hưng

- Phục hưng là tên gọi một giai đoạn ở châu Âu bắt đầu từ thế kỷ 14 ở Ý và Tây Ban Nha rồi phát triển khắp châu Âu vào thế kỷ 16.

- Mục đích của giai đoạn này là « bình thường hóa » trở lại sau hơn 1000 năm « hướng một lòng » với Giáo hội, nghĩa là toàn bộ tác phẩm từ thi ca, hội họa, khoa học kỹ thuật đến chính trị và sinh hoạt của người dân châu Âu trước đó đều xoay quanh hình ảnh tôn giáo được thần thánh hóa của «Jésus và những người liên quan», thì bây giờ, mọi người trở lại « bình thường » với những đề tài riêng của mình, những quan tâm cá nhân của mình như thần thoại Hy Lạp, các hình ảnh đời thường hơn, chân dung hơn.

***


Nhưng quan trọng hơn, một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của giai đoạn được gọi là « Phục hưng » này, đó là châu Âu đã vượt lên được các đối thủ « văn minh » khác của mình, là Ả rập và châu Á, nhất là Trung Quốc.

Vượt lên được nhờ vào cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật vào thế kỷ 15 để in sách, dệt vải và đóng thuyền đi vòng vòng thế giới đánh nhau.

Và đi đến đâu, người châu Âu cũng tự hào về « nền văn minh châu Âu » của mình.

Như vậy, sự Phục hưng mà châu Âu có, đó là « Phục hưng » quay lại những giá trị tinh thần vốn trước đây đã có, nhưng lại là sự bắt đầu hoàn toàn mới của những giá trị khác được khám phá ra một cách tình cờ, nhờ nhìn lại chính mình thật sự là mình, chứ không phải là thánh.

***

Có một thời gian rất dài, châu Âu hầu như bỏ ngoài tai những giá trị của phương Đông từ vật chất đến tinh thần. Nhờ vào thuốc phiện, súng đạn và tàu chiến, những phát minh đầu tiên của thế giới ở châu Á và Trung Đông dường như đã thua cuộc, giấy và mực in để phát hành sách truyền giáo và « khai sáng văn minh », số toán học để tính lời lãi thu về từ các mỏ vàng, dầu hỏa và nhân lực.

***


Hiện nay, ở châu Âu và châu Mỹ lại có khuynh hướng quay trở lại ca ngợi phương Đông « huyền bí », nghĩa là chưa giải thích được, vì chưa hoặc biết rất ít về những giá trị của nó. Đây có phải là một sự « Phục hưng » nữa không ?

***


Theo sách lịch sử của Pháp, ngày xưa, giới thượng lưu Pháp khi đi dự tiệc thường ai cũng dẫn theo một hoặc nhiều chó, khi ăn xong, lau tay vào lông trên đầu chó, làm gì có khăn tay, còn nữa, nếu ăn món nào ngon miệng thì nói người hầu bọc vào một miếng vải đem về thưởng thức tiếp.

Sau này, lại có hẳn nhiều bộ sách dạy cách xếp dao, nĩa, muỗng, đĩa, ly, tách và khăn ăn cho đúng cách nhất. Nhưng giờ đây, chỉ có những nhà hàng rất thượng lưu mới làm theo, còn lại, người ta « trở lại » chuộng phong cách đơn giản, một dao, một nĩa, một muỗng, hay còn được gọi một cách âu yếm và trẻ trung là « văn minh thời kỳ hậu hiện đại », « văn minh hi-tech ».

Vậy mới biết, luật lệ văn minh như thế nào là do trí tưởng tượng của con người xuất bản ra mà thôi.

***


Thật ra, xét về chính thống thì có hẳn giai đoạn « Phục hưng » đó, nhưng trong lịch sử của loài người và cuộc đời của từng người đã có cực kỳ nhiều lần « Phục hưng », hiểu theo nghĩa « sự quay trở lại của những điều vốn đã có »: La Mã chiếm Hy Lạp và bị Hy Lạp hóa, Giáo hội Thiên Chúa lập ra để cứu khổ loài người nhưng tổ chức thánh chiến khắp nơi để tiêu diệt ngoại đạo chống đối, những triều đại từng bị đạp đổ sau đó lại được sưu tập lại như bằng chứng về sự hiểu biết hoặc chứng minh một mối liên quan, gia phả.


Lịch sử quay tròn như một vòng lò xo, những điều tưởng chừng đã cũ, đến một lúc nào đó sẽ nẩy lên những rung động, mà có thể nhờ nó, người ta thấy mọi vật ở một góc nhìn khác hơn, mới hơn và khám phá nhiều hơn.

***


Đôi khi người ta tìm lại được những gì đã có cũng chính là bắt đầu một điều rất mới. Và khi tưởng mình vừa khám phá ra một điều rất mới, thì thật ra nó đã nằm rất lâu và rất sâu trong tim mình, trong lòng mình, trong cuộc đời mình mà đợi những rung động để hồi sinh, để đợi, sau bao lâu « tôn thờ » điều quá sức và tầm tay mình, sự « phục hưng » trở lại với chính mình.

***


Phật cũng bắt đầu từ phận người, và người cũng có thể thành Phật. Phật tử cũng có thể thành kẻ sát nhân, và tên tội đồ buông dao cũng có thể thành Phật. Ý nghĩa này rất phổ biến mà ý nghĩa của « Phục hưng », thật ra còn phổ biến hơn, có những sự quay trở lại rồi tình cờ khám phá thêm thật nhiều điều, và cũng có những sự tình cờ bắt ta chợt quay lại, khám phá chính mình với đầy những giá trị.

 

Có những sự ra đi, có những lần trở về. Có rất nhiều sự thay thế mà luôn luôn có những điều không bao giờ đổi thay.



10/09/2009
0 Poster un commentaire

A découvrir aussi


Inscrivez-vous au blog

Soyez prévenu par email des prochaines mises à jour

Rejoignez les 6 autres membres