pour: TOI

"Từ tốt đến vĩ đại" (Jim Collins) - trong Động có Tĩnh, trong Tĩnh có Đạo

Quyển sách này là một trong những quyển hay nhất và đáng ngạc nhiên nhất về chủ đề kinh tế. Tên sách "Good to Great" tự bản thân đã nói lên 2 nội dung và 2 câu hỏi:

- Ý nghĩa 1: 2 trạng thái "good" và "great" là hai trình độ khác nhau, không nên lẫn lộn và nhầm ý nghĩa.

- Ý nghĩa 2: Luôn có những hướng tiến hoá và tiến bộ hơn nữa ngay khi tình trạng đã là tốt.

- Câu hỏi 1: Làm thế nào để thực hiện nghiên cứu này?

- Câu hỏi 2: Làm cách nào để tiến hoá được như vậy?

 

 

Đừng nghĩ quyển sách này chỉ dành cho những người đã học về kinh tế, hoặc chỉ quan tâm về làm kinh doanh.

Đừng nghĩ quyển sách này, vì dựa trên các phân tích thực tế từ các công ty lớn và cổ phần, nên chỉ dành cho dạng cổ phần và những ngành kinh doanh kèm theo.

Và cuối cùng, đừng nghĩ quyển sách này chỉ là một giáo trình kinh tế nói về lý thuyết bởi vì như tác giả đã ghi chú trước và thực hiện trong toàn bộ quyển sách: giá trị và ý tưởng rút ra từ quyển sách có thể áp dụng cho "bất cứ điều gì bạn làm, nếu không phải trong công ty, thì cũng là trong những công tác xã hội, và nếu cũng không phải ở đó, thì ít nhất là trong cuộc sống cá nhân của mình".

 

 

Tại sao những ý tưởng này lại có thể có tác dụng và ảnh hưởng ngoài kinh tế như vậy, trong khi nghiên cứu, phân tích, số liệu và quyển sách có vẻ chỉ thuộc về lĩnh vực kinh tế?

 

Bởi lẽ, sau khi đọc xong hết quyển sách, rồi bạn sẽ nhận ra rằng, toàn bộ ý tưởng trong sách đã chạm đến bản chất con người qua những biến động vô cùng khắc nghiệt của môi trường kinh doanh.

 

Cái hay nhất và cũng là đặc điểm đáng kinh ngạc nhất của sách là nội dung rất trung hoà: không có định kiến và cảm xúc cá nhân, không có định nghĩa dài dòng. Tất cả đều như một bài luận án: dựa trên số liệu thực tế, phân tích lý tính, phỏng vấn và so sánh nghiêm túc, bài bản để đưa ra những kết luận vững chắc.

 

Kết luận đầu tiên đã là một sự ngạc nhiên dành cho độc giả: "Tốt là kẻ thù của vĩ đại".

"Và đó là một lý do chính giải thích vì sao có rất ít điều vĩ đại" bởi vì mọi người đều cố nghĩ mìnhh đang tốt rồi, không cần đến phấn đấu và cố gắng nữa. Ngay cả "trung bình" hay "khá" cũng đã là tốt, và sự hài lòng đó không hề sai, nhưng dẫn đến một sức ì lớn hầu như không thể lay chuyển nếu không đủ quyết tâm.

 

 

Để chứng minh, tác giả và nhóm nghiên cứu đã đưa ra những công ty hoàn toàn bình thường và vô danh nhưng lợi nhuận và giá trị cổ phiếu đã vượt qua với tỉ lệ gấp 3 lần so với những "đàn anh máu mặt" trong thương trường như: Boeing, Coca-cola, GE, HP, Intel, Procter&Gamble, Wal-Mart và Walt Disney, etc. Khó có thể nghĩ những công ty nào và làm cách nào qua mặt được các đại gia này. Sự ngạc nhiên đó chính là biểu hiện của sự vĩ đại.

 

Tác giả nhiều lần giải thích rất rõ ràng: "Các bạn cần phải biết rằng những khái niệm chúng tôi đưa ra trong quyển sách này đều dựa trên những đúc kết thực tế từ khối thông tin chúng tôi thu nhập. Chúng tôi không đưa ra giả thuyết trước rồi sau đó đi tìm thông tin để chứng minh. Chúng tôi chọn đưa ra lý thuyết theo cách phân tích từ một cái nền vững chắc, dựa trên cơ sở những bằng chứng thực tế."

 

Đây là một thái độ rất khoa học và rất nhân văn: không định kiến và chạy theo định kiến đó, hay chứng minh nó bằng mọi giá, mà ngược lại, thu thập thông tin theo các quy tắc chặt chẽ, và cùng tìm ra quy luật ẩn sau những phân tích thực tế.

 

 

Những quan sát ban đầu đã vô cùng thú vị khi so sánh những trường hợp từ "vô danh" đến vĩ đại và những công ty đối trọng cùng ngành, cùng thời, lại nổi tiếng hơn, ví dụ như:

 

- Việc thuê những nhà lãnh đạo tầm cỡ bên ngoài để phát triển công ty lại không phải yếu tố chính cho sự phát triển nhảy vọt của công ty, thậm chí còn là nguyên nhân thúc đẩy sự đi xuống.

 

- Chiến lược phát triển không phải yếu tố đủ và quan trọng nhất, vì công ty nào mà không nói và không có cái gọi là "chiến lược và hướng phát triển" của mình.

 

- Công nghệ và những thay đổi công nghệ không giúp gì cho việc bắt đầu sự nhảy vọt nội lực của công ty.

 

- Cách tạo ra sự kiện hay chương trình hoành tráng không phải việc làm đầu tiên của các công ty "vô danh thành vĩ đại" đó.

Và còn nhiều quan sát khác nữa.

 

Vậy thì phải cần những yếu tố nào, và phải làm gì? Rõ ràng là những quan sát này đều là những gì chúng ta thấy hàng ngày, là những gì chúng ta nghĩ đến ngay khi có ý tưởng kinh doanh, nhưng lại không phải là những điều mang tính quyết định.

 

 

Bản chất của sự thành công nằm ở đâu? Câu trả lời được nhóm nghiên cứu giải mã sau 5 năm làm việc cật lực.

 

Theo trình tự phát triển, tác giả đưa ra 6 yếu tố quan trọng nhất và đều mang tính quyết định cốt lõi cho sự thành công của công ty, hay của chính bản thân mình:

1. Khả năng lãnh đạo cấp độ 5

2. Con người đi trước - Công việc theo sau

3. Đối mặt sự thật phũ phàng

4. Khái niệm "con nhím"

5. Văn hoá kỷ luật

6. Bàn đạp công nghệ

 

 

Những yếu tố này đều cực kỳ cần thiết để tạo bánh đà và tránh vòng luẩn quẩn thông thường. Làm được điều này, chính là đã gieo mầm cho thành công và chỉ chờ kết quả đến trong tương lai. Không có sự "trùng hợp", cũng không có "hên xui", không có "vô tình", cũng như không hề có "tự nhiên phát tài".

 

 

Không thể trích dẫn và tóm tắt cho đầy đủ ý của cả quyển sách - công trình nghiên cứu 5 năm của một nhóm toàn những chuyên gia kinh tế, bởi sự ngạc nhiên nằm trong tất cả trang sách, giải thích, dẫn chứng và kết luận.

 

Kinh tế là một hoạt động Động nhất của đời sống con người. Mỗi người đi làm hay quản lý cho riêng mình đều phải suy nghĩ đến tất cả điều kiện chi phối hoàn cảnh kinh tế. Vậy mà quyển sách này, trước sự khám phá của chính tác giả, cũng phát hiện ra những khái niệm có vẻ như không liên quan gì đến Luật, Chính trị, Quảng cáo, Chiến lược, etc.

 

 

Ở khả năng lãnh đạo cấp độ 5, tác giả đã "choáng" khi những người lãnh đạo các công ty nhảy vọt vượt bậc này đều hoàn toàn khác biệt với những nhà quản lý quá nổi tiếng của các công ty khác, vì họ đều"khiêm tốn, ôn hoà, điềm đạm, thậm chí còn hơi e dè".

 

Có ai biết đến Darwin E. Smith? Khi ông lên nắm quyền Tổng giám đốc của công ty Kimberly- Clark thì đây là một công ty già cỗi với giá cổ phiếu thấp thê thảm trên trị trường. Vậy mà 20 năm sau, cổ phiếu của công ty, dưới sự lãnh đạo của ông, đã đạt gấp 4,1 lần thị trường chung, vượt xa những đối thủ khác như Procter & Gamble, General Electric, Coca-Cola và HP.

 

Những đức tính được nêu ra của khả năng lãnh đạo cấp độ 5 là một sự mâu thuẫn hoàn hảo cũng như sự bổ sung qua lại đầy đủ giữa: sự khiêm tốn, thái độ lặng lẽ, bình thản, và một quyết tâm, nghị lực bền bỉ, không thể lay chuyển dành cho sự phát triển chung của công ty.

 

 

Điều ngạc nhiên cũng trong khám phá "Con người đi trước - Công việc theo sau". Có thể nói, đây là một khám phá mới, nhưng cũng lại là điều đã cũ. Vì sao?

 

Bởi, trong kinh doanh, hầu hết các công ty đều chú trọng trước hết đến chiến lược, rồi sau đó mới tuyển người phù hợp cho từng vị trí hoặc cho mục đích của chiến lược. Nhưng theo nghiên cứu, các công ty nhảy vọt đều làm ngược lại: tuyển người trong khi chưa biết công ty sẽ đi theo hướng nào, lại càng không có cái gọi là phương hướng đầu tư hay bản kế hoạch chiến lược.

 

Như một chuyến xe vậy, nếu biết trước hành trình và điểm đến, thì những hành khách được mời lên xe đều có "định kiến" về một điểm dừng và những việc phải làm trên hành trình đó.

 

Vậy nếu, chuyến xe thay đổi con đường đi và điểm đến, có phải tất cả mọi người đều sẽ đi xuống vì không phù hợp với mục đích cuối cùng của họ? Và những người ở lại, hoặc là mất phương hướng và trở nên thụ động, hoặc là khả năng ban đầu của họ chỉ phù hợp với hành trình kia mà lại không thể đóng góp cho đoạn đường mới.

 

Vì vậy, tuyển những người muốn đi cùng chuyến xe và có khả năng chính là điều quan trọng nhất. Vì, những gì họ muốn là cùng nhau trên chuyến xe đó dù đích đến là gì, và cùng bàn bạc, xoay sở để hành trình của mình sẽ là điều tốt đẹp, trọn vẹn nhất. Sự linh hoạt, chủ động, và gắn bó vì vậy cao hơn gấp nhiều lần.

 

Sự khám phá này hoàn toàn trái ngược với chính sách tuyển người của đa số các công ty khác: "một nhân tài, vạn người giúp việc". Nếu một ngày không có "nhân tài" lãnh đạo, hoặc không còn cùng mục đích ban đầu, những "người giúp việc" đều không có khả năng chủ động, xoay sở, và gắn bó.

 

Nếu nói là khám phá thì là vì trong kinh tế, đây là ý tưởng thiểu số, mới mẻ, nhưng so với các giá trị tinh thần đã có, thì đây không phải là lần đầu tiên khai sinh ra khái niệm "đồng cam cộng khổ". 

 

Rõ ràng, để đối phó lại với cái Động của thị trường và của kinh tế phải dùng đến cái Tĩnh.

 

Tĩnh ở đây là cái Tĩnh trong mối quan hệ cốt lõi. Một khi mối quan hệ đã được xác định trên cơ sở "gắn bó và cùng đóng góp" bất kể hoàn cảnh, thì chuyến xe mới hoàn toàn yên tĩnh thực hiện hành trình đầy bất ngờ qua nhiều địa hình khác nhau. 

 

Nếu không thể đạt được trạng thái Tĩnh, không cần lo lắng, về mối quan hệ gắn bó với nhau, thì càng không thể lấy đó để cùng nhau bàn bạc về cái Động trong những chiến lược và tình hình bên ngoài.

 

 

Để kết luận, trích dẫn sau từ quyển sách cũng đã đầy đủ:

"Sự chuyển đổi từ tốt đến vĩ đại thường có vẻ như là những sự kiện rất kịch tính, cách mạng đối với những ai quan sát từ bên ngoài, những đối với người bên trong, đó là những quá trình tích luỹ tự nhiên.

Không có một hành động đơn giản, chương trình hoành tráng, không một phát kiến chết người, một sự may mắn, một khoảng khắc diệu kỳ.

Giống như việc đẩy một bánh đà to lớn và nặng nề, để làm cho mọi thứ chuyển động cần rất nhiều công sức, nhưng nếu cứ tiếp tục đẩy theo một hướng nhất quán theo thời gian, bánh đà sẽ tích luỹ sức đà và cuối cùng: đạt điểm nhảy vọt".

 

 

Giữa những biến động trong đời sống, đọc được một quyển sách hay như vậy như đạt được trạng thái thiền tĩnh lặng: Để nghĩ về những giá trị thật chỉ tồn tại trong chính mỗi con người, và trong chính mối quan hệ người với nhau.

 

Trong cuộc sống riêng, nhìn ra được những bản chất trong mình và quanh mình đã khó, trong kinh doanh và thương trường, làm được điều này, đó chính là Đạo. Và là sự tiến hoá từ Tốt đến Vĩ đại.

 



12/09/2011
1 Poster un commentaire

A découvrir aussi


Inscrivez-vous au blog

Soyez prévenu par email des prochaines mises à jour

Rejoignez les 6 autres membres