pour: TOI

Những giấc mộng lầu hồng, thức tỉnh vẫn là mộng

Tiểu thuyết mở đầu bằng huyền thoại: Nữ Oa luyện đá ngũ sắc năm vạn lẻ một viên để vá trời. Có một viên thừa ra được đưa về trời chăm sóc cây tiên Giáng Châu.

 

 

Trải qua trăm nghìn kiếp, viên đá thành linh thạch, có tâm có tài, cây thiêng cũng là tình thơ tràn ngập chịu duyên nợ nhau, nên phải đầu thai xuống hạ giới để oan gia phong lưu đều trả. Đá thiêng thành Giả Bảo Ngọc - sinh ra đã ngậm viên cẩm thạch "Thông linh bảo ngọc". Cây thiêng thành Lâm Đại Ngọc, số phận mồ côi, được đem về phủ sống cùng Giả mẫu, và chỉ một lòng thưởng thức tâm tình cùng hoa lá, thiên nhiên..

 

 

 

Bộ truyện Hồng lâu mộng là một trong những bộ truyện đầu đời của tôi, đọc lúc 7 tuổi, và góp phần nuôi sự mơ mộng đến hão huyền của tôi suốt những năm đầu tuổi vị thành niên.

 

Sau đó vài năm, bộ phim được phát trên tivi, tôi không bỏ sót một tập nào. Và nức nở, say mê những bài thơ trong phim, cũng thơ thẩn cả buổi cùng những cánh hoa dập dềnh mà Lâm Đại Ngọc thả theo dòng nước, cũng ngơ ngác như Giả Bảo Ngọc giữa những tính cách và mối quan hệ khác nhau trong vương phủ và giữa 12 mỹ nhân quanh mình.. 

 

Đọc lại bộ truyện vào cuối năm cấp 2 và cấp 3, tôi lại cảm nhận lần nữa tâm tư, tình cảm của truyện.

 

 

Rất nhiều người nói Lâm Đại Ngọc quá yếu đuối, vì đã khóc cho hoa, vì đã thả những giọt nước mắt trôi theo dòng nước, vì đã quá luỵ tình đến nỗi thiệt thân.

 

 

Bản thân tôi thì thấy Đại Ngọc không yếu đuối mà là quá nhạy cảm. Không yếu đuối là vì Đại Ngọc đã dám sống theo cách của mình, mà không chịu bất kỳ một sự ảnh hưởng và uốn nắn nào, đó là cách trả lời can đảm nhất dành cho câu hỏi: Sao cô không chịu làm giống bao người khác để được "bình thường", và để được yên thân? Tại sao phải khổ sở chịu những lời dè bỉu của người khác? Nhưng Đại Ngọc đâu có khổ sổ khi chịu những lời dè bỉu, vì mỗi lần như vậy, cô đều tự động tránh mặt đi, và không muốn tiếp xúc với họ. Đó là sự can đảm, và khi ta chọn được một cách sống cho mình, thì không thể nói là yếu đuối. 

 

 

Nhưng Đại Ngọc lại nhạy cảm. Và sự nhạy cảm đó làm mọi thứ trở nên trong suốt và dễ vỡ như những bọt xà phòng thổi bay trong gió.

 

Đại Ngọc nhạy cảm với sự vô thường và tàn phai của đời sống, cho nên cô thương hoa, tiếc hoa và khóc cho hoa. Một cánh hoa, cũng giống như một cánh bướm, chỉ có thể mở mắt nhìn trời cao một lần rồi sẽ vĩnh viễn bị quên lãng. Dù biết là quy luật luân hoàn, nhưng sự nhạy cảm luôn khiến Đại Ngọc phải chảy nước mắt vì biết rằng quy luật này không là ngoại lệ với bất kỳ điều gì từ đá núi cũng sẽ là san phẳng thành cánh đồng cát khô. Lâm Đại Ngọc luỵ tình vì cô tin tưởng quá nhiều vào một tình yêu mạnh hơn quy luật này, nhưng rốt cuộc nếu không thể có cái gọi là tình yêu và can đảm thật sự từ người cô yêu, thì cô vẫn sẽ không chọn cách sống vật vờ quãng đời còn lại.

 

 

Khóc hết nước mắt cho mối tình duy nhất của đời mình, và không hề sợ cái chết, Lâm Đại Ngọc muốn làm một cánh hoa mạnh mẽ lưu lại hương của mình trong trái tim người yêu. Tình yêu đó, Giả Bảo Ngọc sẽ không bao giờ có thể tìm thấy được lần nữa ở nhân gian.

 

 

Cách thể hiện tính cách đặc biệt như vậy nên số phận cũng phải đặc biệt. Không thể ép buộc một khuôn mẫu của sự mạnh mẽ là phải như Hy Phượng, hay ít nhất phải như Bảo Thoa. Mạnh mẽ thuộc về sự can đảm của mỗi lần phải lựa chọn và sự hết lòng đi đến cùng của sự lựa chọn ấy. Hy Phượng là biểu tượng của sự dám sống, dám làm, nói mạnh, làm mạnh, là ở cực này của sự mạnh mẽ với sự uy quyền và vị trí xã hội, gia đình chắc chắn; còn Đại Ngọc lại ở cực kia của sự mạnh mẽ, với thân phận ăn nhờ ở đậu, mồ côi cha mẹ, thì những gì Đại Ngọc có thể làm là lựa chọn cho chính mình một cách yêu. 

 

 

Còn Bảo Thoa, thoạt nhìn là bề ngoài cứng cỏi và cách suy nghĩ trưởng thành, nhưng thật ra là cô không thể làm như Đại Ngọc mà thôi. Cô biết mình không yêu Bảo Ngọc như Đại Ngọc, cũng biết là Bảo Ngọc không yêu mình, nhưng vẫn chấp nhận. Lý trí quá tỉnh táo làm cho cuộc sống của Bảo Thoa không hề có nước mắt, nhưng cũng sẽ chẳng bao giờ có thể nở một nụ cười hạnh phúc từ tận đáy tim như khi Đại Ngọc e ấp cười với Bảo Ngọc.

 

 

Cái chết của Hy Phượng là một cảnh tượng sốc với người xem khi xác bị kéo lê trên nền tuyết trắng, thân chỉ đắp một mảnh chiếu rách nát và đen đúa. Đại Ngọc mất còn có lễ tang theo đúng trịnh trọng, dù địa vị khi sống không thể và chưa bao giờ có thể bằng như Hy Phượng. Hai thái cực này lần nữa để người xem hiểu giọt nước mắt mà Đại Ngọc đã khóc cho những cánh hoa.

Vô thường và quên lãng... Những giấc mơ rồi sẽ lại hoà vào đất, chảy cùng nước, bốc hơi lên thành mây, rơi mưa xuống và giúp những nụ hoa nở bừng ra những giấc mơ mới.

 

 

 

Thoắt đã hơn 10 năm, trong khi những bộ phim khác đã được lần lượt tái hiện và sản xuất lại nhiều lần như: Tây du ký, Kim Bình Mai, Liêu trai chí dị, hay Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, etc. thì Hồng lâu mộng vẫn lặng lẽ như một giấc mộng đã bị lãng quên. Cho đến 2010, phiên bản mới của Hồng lâu mộng mới được lần thứ hai sản xuất lại và được mọi người háo hức mong chờ.

 

 

Bộ phim nhiều kỹ xảo hơn, hình ảnh đẹp hơn, đầu tư về trường quay, trang phục và mọi kinh phí đều cao cấp hơn rất nhiều. Tôi cũng mong chờ được xem ngay khi có phim bản gốc, phụ đề tiếng Anh, với tất cả hoài niệm về một bộ truyện đã nuôi nấng sự tưởng tượng ngay khi tôi biết đọc chữ.

 


 

 

Nhưng thất vọng là cảm giác lớn nhất.

Không phải vì phim không hay, không phải vì phim không đẹp, không phải vì diễn viên không đủ xinh tươi, và phục trang không đủ đẹp. Tất cả đều đẹp, tươi sáng và cả.. hấp dẫn lắm.

 

 

Nhưng đó không phải là giấc mộng tôi từng chờ đợi được một lần xem lại. 

 

Lâm Đại Ngọc đã chết giữa những nức nở cho tình yêu đầu đời và duy nhất. 

 

Diễn viên đóng Lâm Đại Ngọc cũng đã trải những phút giây cuối cùng trong chùa, cùng những đớn đau của một đời người. 

 

 

 

Mới hay, chuyện gì rồi cũng sẽ như mộng, dù là giấc mơ đẹp với nụ cười thiên thần trong giấc ngủ, hay giọt nước mắt giữa nỗi buồn trong mơ, thì không bao giờ trở lại lần nữa.

 

 

Những giấc mơ tuổi hoa của tôi, tôi vẫn nhớ rõ ràng và không bao giờ quên.

 

Nước mắt chảy ra cho những số phận không thể có lại lần nữa. Tôi thẫn thờ mất cả buổi tối sau khi tắt phim. 

 

 

Những điều gì ta từng yêu mến, từng cười thật tươi, từng khóc thật nhiều, tốt nhất hãy đừng mong chờ những điều thay thế. 

 

Giấc mộng đã qua, làm sao để có thể được một lần gặp lại? 

Điều đó là muôn đời không thể!

 

 

Mê mẩn làm sao nhạc phim của bản Hồng Lâu Mộng năm nào:

http://www.youtube.com/watch?v=_-Ivw991umQ&feature=related




23/02/2012
0 Poster un commentaire

A découvrir aussi


Inscrivez-vous au blog

Soyez prévenu par email des prochaines mises à jour

Rejoignez les 6 autres membres